Thứ hai, 06/05/2024 01:10 (GMT+7)
Thứ tư, 01/11/2023 17:09 (GMT+7)

ĐBQH: Cần có chế tài buộc ngành điện phải bồi thường khi cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề xuất cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại.

Cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Nêu một số giải pháp, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ với cơ chế đặc thù.

Theo đại biểu Bình, cơ quan thuế cần sớm hoàn thuế giá trị gia tăng để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi.

ĐBQH: Cần có chế tài buộc ngành điện phải bồi thường khi cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). Ảnh Quochoi.vn

Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Trà Vinh thì cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu, không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn, điện cũng là loại năng lượng quan trọng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Bình, Chính phủ, Bộ Công thương cần dự báo nhu cầu xây dựng kế hoạch nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

"Các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất", ông Bình đề xuất.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng, sự phục hồi của nền kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn rất lớn

Cũng liên quan đến những khó khăn của doanh nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu), bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khởi thị trường. Trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động.

Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Đi vào giải pháp, đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.

ĐBQH: Cần có chế tài buộc ngành điện phải bồi thường khi cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp - Ảnh 2
Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, kinh tế thời gian tới còn nhiều thách thức khi tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Trước những khó khăn trên, ông Tuấn cho rằng, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển, chúng ta có dư địa trong bội chi, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Chính phủ đề xuất kết thúc chính sách này trong thời gian tới.

Ông Tuấn cho rằng đề xuất trên là quyết định hợp lý, tuy nhiên cần vận dụng cơ chế này cho 2 năm còn lại, sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng, để tăng trần đầu tư công cho giai đoạn mới.

Cùng với đó, nguồn tiết kiệm tăng thu giảm chi trong năm 2021 dự kiến bố trí cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên cần gia hạn nguồn lực này đến cuối năm 2025, để tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình đấu thầu, đầu tư theo quy định của pháp luật.

Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, đại biểu cho biết, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Để kích cầu nền kinh tế, ông Tuấn, cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.

Ngoài ra, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn.

"Cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế", ông Tuấn nhấn mạnh.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Cần có chế tài buộc ngành điện phải bồi thường khi cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới