Thứ sáu, 22/11/2024 05:51 (GMT+7)
Thứ năm, 27/02/2020 11:15 (GMT+7)

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có buổi làm việc với các Sở, ban ngành về tình hình trồng rừng gỗ lớn và hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp bền vững năm 2019, kế hoạch thực hiện năm 2020.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập được 19 HTX Lâm nghiệp bền vững/20 HTX theo kế hoạch, đạt 95%. Các HTX Lâm nghiệp bền vững đã tổ chức đại hội nghiêm túc, dân chủ, bình đẳng và đã thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị.

Các HTX Lâm nghiệp bền vững đã thành lập có từ 19 thành viên, vốn điều lệ mỗi thành viên thấp nhất là 22,2 triệu đồng, cao nhất là 120 triệu đồng. Bình quân vốn điều lệ của mỗi HTX Lâm nghiệp bền vững là 291 triệu đồng; HTX Lâm nghiệp bền vững có vốn điều lệ cao nhất là 897 triệu đồng.

Trong 19 HTX Lâm nghiệp bền vững được thành lập, có 14 HTX Lâm nghiệp bền vững đã có giấy chứng nhận đăng ký thành lập HTX; 3 HTX Lâm nghiệp bền vững thành lập trước đã tổ chức dịch vụ gieo ươm cây giống chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Nổi bật là HTX Hòa Lộc, ngoài dịch vụ gieo ươm và cưa xẻ, đã đầu tư tổ chức dây chuyền ván bóc. Theo báo cáo của HTX, sau 1 năm hoạt động đã có lãi khoảng 360 triệu đồng; hiện đã và đang chủ động tự đầu tư vốn mua 1,5 hecta đất, chuẩn bị mặt bằng mở rộng cơ sở chế biến gỗ.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC - Ảnh 1
Năm 2020 tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy mạnh công tác trồng rừng gỗ lớn.

Đối với tình hình thực hiện trồng rừng keo gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, hiện đã có 7.768,3 hecta được cấp chứng chỉ rừng FSC, trong đó Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong có 3.096,4 hecta, nhóm hộ có 4.671,9 hecta/948 hộ. Kết quả này cùng với việc thành lập mới 19 HTX Lâm nghiệp bền vững tại các xã là nền tảng ban đầu cho hoạt động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương.

Về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019, tỉnh đã trồng được 23,0 hecta (gồm 15 hecta của BQL RPH Hương Thủy; 5,0 hecta Công ty Lâm nghiệp Tiền phong và 3,0 hecta Công ty Lâm nghiệp Phong Điền), đạt 100% kết hoạch. Trong đó loài cây trồng bao gồm: Sao đen, Lát hoa, Lim xanh, Xoan đào, Huỷnh.

Năm 2020, theo kế hoạch sẽ trồng 207,0 hecta, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời rà soát và mở rộng trồng thêm 120,0 hecta, nâng diện tích thực hiện trong năm 2020 là 327,9 hecta.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng cũng như tiến hành theo dõi, chăm sóc các diện tích rừng đã trồng, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Trước đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2019.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC - Ảnh 2
Đi đôi với phát triển, trồng mới diện tích rừng việc bảo vệ rừng cũng được tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng, đặt lên hàng đầu.

Theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 288.334,37 hecta đất có rừng (bao gồm rừng tự nhiên: 211.373,11 hecta, rừng trồng: 76.961,26 hecta). Theo mục đích sử dụng rừng: rừng phòng hộ: 76.957,28 hecta; đặc dụng: 93.200,43 hecta, sản xuất: 118.176,66 hecta. Trong đó: sản xuất 99.615,11 hecta, ngoài quy hoạch 3 loại rừng nhưng tạm tính là sản xuất 18.561,55 hecta và 5.679,73 hecta là diện tích đã trồng chưa thành rừng. Tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đến hết năm 2019 là 57,37%.

Theo số liệu về hiện trạng rừng được công bố là căn cứ để các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các cấp theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu diễn biến rừng và cập nhật diễn biến rừng hàng năm trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật kết quả diễn biến rừng vào hồ sơ quản lý đất đai hàng năm của từng huyện, thị xã và tỉnh.

Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng quốc tế FSC. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.