Đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng 4 khu công nghiệp
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp ở 4 tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Trị. Tổng diện tích đầu tư 1.042 ha với tổng số vốn dự kiến 5.520 tỉ đồng.
Tại Hải Dương, chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng. Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh làm nhà đầu tư.
Được biết, trước đó vào năm 2012, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đến tháng 5/2020, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho ý kiến để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
Dự án thực hiện tại các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng và Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có diện tích 214,57 ha với tổng nguồn vốn đầu tư là 1.802 tỉ đồng.
Theo quyết định, UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án phù hợp với vản bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương yêu cầu nhà đầu tư: ký quỹ để đảm bảo thực hiện Dự án theo quy định; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu phát hiện khoáng sản chỉ được triển khai Dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Vĩnh Phúc, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp (KCN) Sông Lô I. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Sông Lô làm chủ đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Tứ Yên, xã Đồng Thịnh và xã Đức Bác (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) với quy mô sử dụng đất là 177,36 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.253,716 tỉ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 188,0574 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của Dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.
Tại Quảng Nam, đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh - An An Hòa.
Dự án được thực hiện tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai) với quy mô sử dụng đất 435,8 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 1.540 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 462 tỉ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định việc đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử đụng đất để thực hiện Dự án. Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi.
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các cơ quan có liên quan phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Còn tại Quảng Trị, Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Long và Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với quy mô sử dụng đất là 214,77 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 925 tỉ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 200 tỉ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng khu công nghiệp.
Đáng chú ý, thời hạn hoạt động của cả 4 dự án đều là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện không quá 36-48 tháng đối với từng dự án kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Ngọc Ánh