Đầu tư bất động sản đang có sự chuyển hướng về các tỉnh thành
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến mới trong xu hướng, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh thành khác đã trở thành một trào lưu phát triển mạnh mẽ, thu hút nhà nhà, người người đầu tư.
Sự thay đổi trong đầu tư bất động sản tại các tỉnh thành
Không còn là dự án làm hạ tầng xong rồi bán đất, các doanh nghiệp lớn đã dành nhiều tâm huyết để tạo ra các khu đô thị được quy hoạch bài bản tại các địa phương. Các khu đô thị sẽ được xây dựng nhà ở hoàn thiện, đầu tư tiện ích như nhà trẻ, trung tâm thương mại, công viên, dịch vụ giải trí… Tuy có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cũ trước đây, nhưng lại dễ dàng được người mua đón nhận vì tính sử dụng cao và mang phong cách sống mới.
Nhận định của các chuyên gia, sự thay đổi trong đầu tư bất động sản tại các tỉnh thành là tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, đô thị tại các địa phương có dự án. Tại Đà Nẵng, một trong 3 thị trường bất động sản vốn phát triển sôi động nhất cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM, đã ghi nhận rõ rệt sự thay đổi này.
Xu hướng đầu tư tại Đà Nẵng cũng đang dần thay đổi
Là thành phố có tốc độ phát triển mạnh nhất trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nên rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đổ bộ vào Đà Nẵng, ngay sau khi các đường bay quốc tế mở cửa lại từ tháng 3. Nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng rất lớn. Thế nhưng, theo khảo sát, TP hiện chủ yếu đang phát triển các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn, còn các khu đô thị quy mô, đầy đủ tiện ích lại chưa có nhiều. Đây có lẽ là những mảnh ghép còn thiếu với TP năng động này.
Có thể nói, Sự thiếu hụt này của Đà Nẵng xuất phát từ việc nhiều năm qua, thành phố chỉ tập trung phát triển các dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng. Tỷ lệ dòng vốn đầu tư bất động sản vào phân khúc này cũng chiếm tới 80-90% còn việc phát triển các khu đô thị dành cho đối tượng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoặc giới thu nhập cao gần như bị bỏ ngỏ.
Nhu cầu nhà ở chất lượng cao tại Đà Nẵng đang gia tăng mạnh mẽ. 5 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng thu hút được 11 dự án FDI, đưa tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại Thành phố lên con số 920 dự án, tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD. TP. Đà Nẵng đang trở thành địa chỉ đỏ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi muốn xây dựng, mở rộng nhà máy sản xuất. Các chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi, bổ sung các sản phẩm bất động sản đang thiếu, thị trường Đà Nẵng sẽ tự bỏ lỡ cơ hội tạo ra cú hích lớn.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Đà Nẵng phải liên tục đổi mới để khẳng định đẳng cấp của mình, không là dừng lại ngay. Đà Nẵng không chỉ cạnh tranh với các tỉnh lân cận mà là đua tranh toàn cầu, thay đổi nhanh ghê gớm".
Ở một số thành phố lớn có thể mạnh mạnh về du lịch như Phú Quốc, Hạ Long… đã dần hình thành các khu đô thị đồng bộ đúng nghĩa, vừa phát triển du lịch, vừa thu hút đối tượng khách hàng là chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, cả trong nước và nước ngoài. Xu hướng này mới đang bắt đầu lan tỏa tới Đà Nẵng.
Các khu đô thị đồng bộ, bài bản đã phát triển rất quen thuộc tại Hà Nội, TP.HCM. Có thể thấy là giá trị nhà ở tại các khu đô thị này đã nhanh chóng tăng gấp đôi, gấp 3 khi đi vào vận hành, đặc biệt sản phẩm từ các chủ đầu tư lớn. Còn tại các tỉnh, thành, trong đó có Đà Nẵng, việc phát triển mô hình này sẽ gặp những thách thức và đặt ra các yêu cầu khác biệt nào?
Cần tạo sự khác biệt trong phát triển khu đô thị
Đà Nẵng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các khu đô thị được quy hoạch, thiết kế đồng bộ như thế này. Bên cạnh đó, để thu hút cư dân đến ở, hàng loạt các chuỗi hạ tầng, tiện ích, dịch vụ thương mại cũng được đẩy mạnh đầu tư.
Thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản cũng cho thấy, các sản phẩm mới như biệt thự tại các khu đô thị đồng bộ, bài bản đã bổ sung thêm phân khúc mới cho thị trường Đà Nẵng, trong khi các sản phẩm như nghỉ dưỡng, khách sạn đã bão hòa.
"Đà Nẵng vừa qua giai đoạn chững, đây là giai đoạn thanh lọc, chỉ chủ đầu tư uy tín, dòng sản phẩm chất lượng mới tồn tại được. Mặt bằng giá của Đà Nẵng, cùng 1 tiêu chuẩn, đang thấp hơn so với các thành phố khác. Qua giai đoạn chững sẽ bước vào thời kỳ tăng mới, đặc biệt với những sản phẩm mà thị trường Đà Nẵng không có", chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ Bất động sản và Đầu tư RETI cho hay.
Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP Southern Land Việt Nam ông Trần Minh Vượng chia sẻ: "Những người mà đầu tư sành sỏi có tầm nhìn trung và dài hạn, họ từ Hà Nội, TP.HCM có cơ sở làm ăn ở đây, họ rất quan tâm".
Cùng với đó, Tổng Giám đốc Sun Property (Thành viên Sun Group) bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh cho biết: "Người Đà Nẵng có thể sở hữu nhà mấy trăm m2, nhưng ko nằm trong khu đô thị bài bản. Họ chưa có thói quan sống trong khu đô thị bài bản. Chúng ta phải có tiện ích tại khu đô thị để hướng tới cư dân. Tại các TP Phú Quốc, Hạ Long, Thanh Hoá, chúng tôi đã có kinh nghiệm".
Đồng thời, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam và Đặng Phương Hằng chia sẻ: "Bất động sản nhà ở còn rất hiếm ít, nhất là khu tạo thành khu đô thị đồng bộ. Làm khu đô thị phải có sự đầu tư về tiện ích, dịch vụ".
Theo các chuyên gia quy hoạch, khác với các địa phương khác, Đà Nẵng rất có lợi thế thiên nhiên, khi vừa có sông, có núi và biển. Việc xây dựng các khu đô thị khai thác được các thế mạnh này, như các khu đô thị ven sông, sẽ tạo sức hút riêng cho Đà Nẵng, hiếm có địa phương nào có được.
Có thể thấy, sau thời gian phát triển nóng, bất động sản tại các tỉnh thành đang có sự đầu tư theo chiều sâu, và nâng cao chất lượng. Đặc biệt với các địa phương vừa có lợi thế du lịch, vừa có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, năng động. Các chuyên gia dự báo, sự chuyển biến này sẽ tạo ra thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cho các tỉnh thành. Ngoài ra, các khu đô thị bài bản, đồng bộ sẽ tạo ra sức bật cho đô thị, tăng cường thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn đối với các địa phương.
Bùi Hằng