Chủ nhật, 05/05/2024 16:49 (GMT+7)
Thứ tư, 25/10/2023 06:57 (GMT+7)

Danh tính đại gia bí ẩn được mệnh danh là “trùm” đất hiếm Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Với việc quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe và tham gia góp vốn vào Lavreco – đơn vị quản lý toàn bộ mỏ đất hiếm Đông Pao, Hưng Hải Group được giới khai thác mỏ mệnh danh là “trùm” đất hiếm Việt Nam.

Đại gia bí ẩn số 1 Lai Châu

Ông Trần Đình Hải – Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group sinh năm 1964 tại tỉnh Thái Bình. Tuy sinh ra ở “quê lúa”, nhưng quá trình  khởi nghiệp của ông lại gắn với tỉnh Lai Châu. Hưng Hải Group tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hải được thành lập từ năm 2000, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Vào ngày 08/12/2008, Hưng Hải Group được thành lập trên cơ sáp nhập các công ty có liên quan đến ông Trần Đình Hải. Tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn của doanh nghiệp này đạt 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Hải góp 190 tỷ đồng, sở hữu 95% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Quang Trường và bà Trần Thị Hiền.

Danh tính đại gia bí ẩn được mệnh danh là “trùm” đất hiếm Việt Nam - Ảnh 1
Ông Trần Đình Hải – Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group.

Là 1 doanh nghiệp đa ngành, công ty của ông Trần Đình Hải đầu tư vào nhiều dự án, chủ yếu các lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng, xây dựng cầu đường và thủy điện. Vị thế của Hưng Hải Group phần nào được khẳng định khi tập đoàn này được UBND tỉnh Lai Châu lựa chọn là đối tác chiến lược, chỉ định thực hiện nhiều dự án thủy điện lớn tại địa phương, có thể kể đến như: Dự án Thủy điện Nậm Củm 4, Thủy điện Tả Páo Hồ, Thủy điện Nậm Na 2, Thủy điện Nậm Na 3 (Lai Châu)....

Tuy nhiên, thủy điện không phải hoạt động lõi trong mảng năng lượng của Hưng Hải, thời gian qua doanh nghiệp này nổi lên như một nhà đầu tư tiên phong và giàu năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong một thương vụ đầu tư ít được biết đến, ông Trần Đình Hải từng nắm giữ 99,27% vốn của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (Thành Hưng). Dù ông Hải đã thoái vốn từ tháng 5/2017, song Thành Hưng vẫn góp mặt trong một số dự án năng lượng tái tạo của Hưng Hải.

Ngoài ra, Hưng Hải còn sở hữu dự án điện gió có công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng tại Gia Lai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư cụm 5 dự án điện mặt trời Lộc Ninh (Bình Phước), có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

Các dự án trên đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hưng Hải Group còn được Bình Phước chỉ định thực hiện dự án công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Việc các dự án được đảm bảo về đầu ra phần nào khiến cụm dự án quang điện Lộc Ninh của Hưng Hải Group trở nên hấp dẫn và lọt vào tầm ngắm của “đại gia” ngành năng lượng Thái Lan - Super Energy Corporation (SEC). Tháng 3/2020, SEC công bố thông tin cho biết muốn chi tới 456,7 triệu USD, tương đương 26,23% tổng tài sản, để thâu tóm 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 của Hưng Hải Group.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, Hưng Hải cũng bước chân vào lĩnh vực xăng dầu tại Lai Châu, với Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Lai Châu. Trong khi đó, tại Hà Nội, ngoài tòa nhà Hưng Hải Tower trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, doanh nghiệp này còn tham gia vào một lĩnh vực buôn bán ô tô khá kín tiếng. Cá nhân ông Trần Đình Hải hiện đang sở hữu quyền chi phối tại Công ty cổ phần GM Thăng Long, ông Hải còn từng là cổ đông lớn của Công ty cổ phần DV & TM ô tô Thăng Long Việt Nam.

GM Thăng Long chính là đại lý chính hãng của Chevorlet Việt Nam và sau này là hãng xe VinFast. Năm 2015, liên danh GM Thăng Long và Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Anh (Việt Anh) đã trúng gói thầu “mua sắm xe ô tô phục vụ công tác của các đơn vị thuộc hệ thống tòa án nhân dân” thuộc đề án trang bị phương tiện làm việc của tòa án nhân dân các cấp giai đoạn III (2014-2018) của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

“Ông trùm” đất hiếm Việt Nam

Một mảng kinh doanh khác làm lên tên tuổi của Hưng Hải phải nhắc đến đó chính là khai thác mỏ. Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (một doanh nghiệp liên quan đến Hưng Hải Group) là đơn vị quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe (Lai Châu).

Trong đó, mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa trên 7,5 triệu tấn đất hiếm. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 triệu tấn. Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn.

Danh tính đại gia bí ẩn được mệnh danh là “trùm” đất hiếm Việt Nam - Ảnh 2
Một trong những mỏ khai thác của Hưng Hải Group. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân).

Ngoài ra, Xây dựng Hưng Hải còn được cho là đang sở hữu 20% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) – Một đơn vị được giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) để triển khai các thủ tục xin cấp phép mỏ và xây dựng tổ hợp khai thác, chế biến đất hiếm.

Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô hơn 11,3 triệu tấn, lớn nhất cả nước. Đây cũng là mỏ đất hiếm có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Như vậy, cả 3 mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước vừa được đề cập bên trên đều ít nhiều có sự góp mặt của Xây dựng Hưng Hải.

Bên cạnh đó, Xây dựng Hưng Hải cũng tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đất hiếm trên cả nước, trong đó có Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nhật (hoạt động tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2017, Xây dựng Hưng Hải nắm giữ 10% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của Đất hiếm Việt Nhật là ông Nguyễn Thế Lực (31%) và ông Lưu Anh Tuấn (19%).

Ông Lưu Anh  Tuấn được biết đến là Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) - chủ sở hữu và vận hành nhà máy chuyên tách đất hiếm tại Hà Nam. Vào cuối tháng 7/2023, VTRE đã ký biên bản ghi nhớ khai thác và sản xuất đất hiếm với 2 doanh nghiệp hàng đầu của Úc trong lĩnh vực khai khoáng là Australian Strategic Materials Ltd. (ASM) và Blackstone Minerals Ltd. (Blackstone). Được biết, VTRE cùng đối tác Blackstone cũng đang có kế hoạch đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.

Quay trở lại với Xây dựng Hưng Hải, vào tháng 9/2018, doanh nghiệp này và ông Lưu Anh Tuấn cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đất hiếm Tây Bắc (hoạt động tại phường Đông Phong, Lai Châu), với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 55% và 10%.

Vừa qua, ông Lưu Anh Tuấn đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Danh tính đại gia bí ẩn được mệnh danh là “trùm” đất hiếm Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới