Thứ ba, 16/04/2024 14:21 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/10/2020 14:00 (GMT+7)

Giao đánh giá tác động môi trường cho bộ hay địa phương?

Theo dõi KTMT trên

Các đại biểu cho rằng, thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh miền Trung đang chịu hậu quả to lớn do thiên tai.

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Giao đánh giá tác động môi trường cho bộ hay địa phương? - Ảnh 1
Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. (Ảnh: VGP)

Phân loại dự án

Theo báo TN-MT, trình bày báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. UBTVQH đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo 2 phương án, đồng thời các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.

Cụ thể, theo phương án 1 (Điều 29a) đã quy định về phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm, gồm: Dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải có giấy phép môi trường (GPMT); Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; Dự án không phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT.

Phương án trên có ưu điểm là thuận tiện trong việc tra cứu đối tượng dự án tương ứng với các thủ tục môi trường phải thực hiện. Tuy nhiên, lại không áp dụng được các tiêu chí môi trường xuyên suốt để quản lý môi trường trong các dự án đầu tư; không bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM, GPMT.

Đối với phương án 2 (Điều 29b) tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo phương án này, giao Chính phủ căn cứ quy định của khoản 1, khoản 2 Điều này để quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III. Nhờ đó, sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường (ĐTM); giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Về tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án, UBTVQH tiếp thu và đã quy định rõ hơn tiêu chí này nhằm đề cập tầm quan trọng của đối tượng bị tác động của dự án, vị trí của dự án đối với vùng nhạy cảm môi trường tại điểm c khoản 1 Điều 29b. Quy định này cũng là cơ sở để giao Chính phủ ban hành tiêu chí cụ thể và danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III.

Về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Xây dựng; Dự thảo Luật cũng trình 2 phương án: tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Vấn đề này, đa số Đoàn ĐBQH (39/50 Đoàn) có ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b Dự thảo Luật.

Tranh cãi quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường

Liên quan vấn đề thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng trình ĐBQH 2 phương án. Theo đó, Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH, sẽ giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn.

Theo Vnexpress, cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) khẳng định, thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh miền Trung đang chịu hậu quả to lớn do thiên tai.

Giao đánh giá tác động môi trường cho bộ hay địa phương? - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Đại biểu Hoa cho rằng, dự thảo đưa ra hai phương án, trong đó phương án Chính phủ trình, giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh để tổ chức thẩm định các báo cáo dù có thuận lợi trong thủ tục hành chính liên thông song không bảo đảm tính khách quan. Vì vậy, bà ủng hộ phương án 2, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

"Phương án 2 sẽ thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định", bà Hoa nói và giải thích, UBND tỉnh sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý; bảo đảm tính khách quan vì tác động môi trường trực tiếp đến từng địa bàn thì trách nhiệm của UBND các địa phương phải thể hiện rõ.

Cùng quan điểm, đại biểu như ông Phạm Văn Tuân (Phó đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định. Quá trình thẩm định có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.

"Trách nhiệm về bảo vệ môi trường, xử lý môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố - đơn vị nắm chắc được mức độ tác động của dự án đến môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của dân cư tại địa phương", ông Tuân nói và cho rằng nếu giao nhiệm vụ nói trên cho UBND tỉnh thì sẽ thực hiện thống nhất từ khâu thẩm định, cấp giấy phép đến việc kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) lại cho rằng việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nên giao cho bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

"Điều kiện vật chất, năng lực đánh giá, thẩm định tác động môi trường của đa số địa phương còn nhiều hạn chế. Các dự án thuộc chủ trương cấp bộ có quy mô lớn, địa phương khó thẩm định đạt chất lượng. Quy định thẩm quyền bộ, ngành tổ chức thẩm định để bảo đảm về thiết bị, nhân lực và có điều kiện là mời chuyên gia thẩm định" - đại biểu Trang lập luận.

Tranh luận với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lại cho rằng không phải địa phương nào cũng thiếu điều kiện thẩm định. Như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác, nhất là địa phương có kinh tế phát triển có đủ điều kiện thẩm định.

Chưa kể hiện đang thực hiện các đề án, phương án để nâng cao năng lực cho các địa phương, với tinh thần "bộ tinh, tỉnh mạnh", nâng tầm của tỉnh lên là hết sức phù hợp trong các luật.

Chỉ dùng 1 loại giấy phép cho 7 loại giấy

Liên quan đến giấy phép môi trường, Dự thảo Luật trình 2 phương án. Trong đó, một là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Về việc dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, Chính phủ cho rằng, sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Giao đánh giá tác động môi trường cho bộ hay địa phương?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới