Thứ năm, 25/04/2024 15:04 (GMT+7)
Thứ hai, 15/06/2020 14:05 (GMT+7)

Đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để có quyết định phù hợp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cho biết, mùa hạn xâm nhập mặn năm nay đến sớm, bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình trạng hạn khẩn cấp, hạn mặn gây thiệt hại 43.000 hecta lúa, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ cũng đã chi 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh chống hạn, mặn, chưa kể đến sự ủng hộ bằng tiền mặt, hiện vật của các người dân, doanh nghiệp.

Hạn không chỉ diễn ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cũng gánh chịu hạn hán rất nặng nề. Tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt diễn ra ngày càng khốc liệt.

Đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai - Ảnh 1
Quốc hội thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng 15/6. (Ảnh: Quốc Khánh)

Theo dự báo về tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như hiện nay, chu kỳ hạn xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên và khốc liệt hơn nữa trong những năm tới.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, phải có giải pháp hữu hiệu trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.

“Đặc biệt, chúng ta cần nâng cao năng lực, khả năng dự báo, cảnh báo sớm, chính xác để có quyết định phù hợp”, đại biểu Ma Thị Thuý nhấn mạnh và đề nghị cần đẩy mạnh điều chỉnh sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Tức là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hợp lý với nguồn nước mặn, nước lợ và giảm sản xuất nông nghiệp sử dụng nước ngọt ở vùng ven biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu các loại giống cây, con mới giúp người dân chung sống với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn một cách hiệu quả nhất”, bà Thuý nói.

Kịp thời ổn định đời sống ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp các vùng miền, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, do thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các địa phương.

Theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, về tài sản ước tính là 2,5 nghìn tỉ đồng, con số này gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ để khắc phục hậu quả ngay sau khi thiên tai xảy ra để ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc như là mức hỗ trợ theo Nghị định số 02 năm 2017 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung, tăng mức hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với cây trồng chưa được tăng, còn quá thấp so với giá trị thực tế.

“Chẳng hạn như 1 hecta cây cam bị thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ tối đa là 4 triệu đồng, trong khi 1 hecta cam đang có quả thì có giá trị vài trăm triệu đồng và cũng có nhiều các cây trồng khác, với mức hỗ trợ theo Nghị định này quá là thấp”, đại biểu Huỳnh Thanh Phương lấy dẫn chứng.

Trong khi đó, hỗ trợ đối với cây lâm nghiệp chưa rõ quy định cây bao nhiêu tuổi thì được hỗ trợ. Về quy trình hỗ trợ thiệt hại còn quá nặng nề về giấy tờ, nhiều thủ tục rườm rà gây phiền hà cho nhân dân, dẫn đến thời gian thực hiện hỗ trợ chưa kịp thời.

Để giúp nhân dân khắc phục sản xuất và ổn định đời sống ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai một cách hiệu quả, kịp thời, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi.

Quy định hỗ trợ cây lâm nghiệp dưới 36 tháng tuổi và tăng mức hỗ trợ và xem xét đơn giản trình tự thủ tục để người dân nhanh chóng, kịp thời nhận được hỗ trợ, giảm bớt khó khăn do thiên tai gây ra.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất do thiên tai gây ra như là sạt lở, bồi lấp, không có khả năng phục hồi.

Đại biểu Phương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc sửa chữa các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi xung yếu có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai gây ra; sớm bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra cho người dân.

Tuyết Chinh – Khương Trung

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.