Đảm bảo an toàn hoạt động bay trước ảnh hưởng của siêu bão Noru
Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.
Chủ động chằng néo, neo đậu tàu bay
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão số 4 (bão Noru) đã vào biển Đông thành cơn bão số 4 trong năm nay. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh. Do đó công tác dự báo, ứng phó bão số 4 phải được tiến hành khẩn trương, chủ động.
Chuyên gia khí tượng cũng nhấn mạnh, dự báo đây là cơn bão lớn, khi vào có thể đạt cấp 12, 13. Do đó, những tác động của nó cũng sẽ lớn hơn, đòi hỏi công tác dự báo, ứng phó cần được đặc biệt chú trọng.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện yêu cầu ứng trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay.
Theo đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.
Các đơn vị cần chủ động phòng chống, rà soát, thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra; Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan, căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan, bảo đảm liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Từ đêm 27/9 đến sáng 28/9 là thời điểm bão số 4 nguy hiểm nhất
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão số 4 là cơn bão rất mạnh có hướng đi nhanh và gây ra nguy hiểm rất lớn. Cường độ bão thời điểm trước khi đổ bộ vào khu vực đảo Luzon của Philippines cường độ đạt mức cấp 15, giật cấp 17.
“Đây là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020. Tốc độ di chuyển của cơn bão số 4 là khá nhanh, trung bình khoảng 20-25km/h”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến ngày 26/9 là thời điểm bắt đầu gió mạnh trên vùng biển phía nam khu vực bắc Biển Đông. Bắt đầu từ chiều đến tối 27/9, ven biển đất liền từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh.
“Từ chiều tối 27/9, bão bắt đầu gây ảnh hưởng gió mạnh cấp 6 cho khu vực Trung Trung bộ. Từ đêm 27/9 đến sáng 28/9 là thời điểm bão số 4 gây ra thời tiết nguy hiểm nhất khu vực này, trọng tâm là khu vực có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 đó là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, Thừa Thiên Huế”, ông Hưởng nhấn mạnh.
"Với tốc độ bão đi nhanh, cường suất mưa có thể rất lớn trút xuống trong khoảng thời gian ngắn, khả năng gây ra nguy cơ sạt lở và lũ quét", chuyên gia cảnh báo.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại mối lo từ cơn bão Durian xuất hiện vào cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, với khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó. Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Theo báo cáo, ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh", khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
"Các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng", Thủ tướng nêu rõ.
Lan Anh