Đắk Nông: Tự do mua bán đất rừng
Các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương, chính sách của tỉnh, thuê đất rồi mang đi bán để kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, người dân liên tục kêu cứu.
Theo hàng chục hộ dân đang sinh sống xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông: “Đất dự án mà tỉnh giao cho Công ty Bảo Châu trồng và bảo vệ rừng là đất của mấy chục hộ dân đồng bào M’Nông khai hoang, trồng điều từ nhiều năm qua. Sau đó, tỉnh thu hồi, cưỡng chế, nhưng không đền bù cho người dân, gây thiệt hại rất lớn”.
Điển hình như đất của ông Điểu Bảy đã khai hoang vào năm 1997 với diện tích lớn lên tới hàng chục ha tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Lắk nay là xã Đắk Ngo, Tuy Đức để trồng cây điều. Đến năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương cưỡng chế giải tỏa và thu hồi diện tích đất để giao cho các công ty để thực hiện các dự án nông lâm kết hợp cũng như chăm sóc, bảo vệ rừng.
Vườn điều của người dân trồng bị một số đối tượng ngang nhiên đến chiếm đất. |
Tuy nhiên, việc thu hồi đất của ông Điểu Bảy không phải đưa vào các dự án nông lâm kết hợp để tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Thực tế, sau khi được giao đất, các đối tượng xã hội đen cấu kết với một số người trong Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín đã tự ý chiếm đất và hủy hoại cây trồng của ông Điểu Bảy để bán đất lại cho người khác sử dụng. Việc thu hồi dự án mà không bồi thường, đền bù theo quy định là vi phạm pháp luật. Một số phần tử quá khích còn chặt phá hủy hoại cây điều lâu năm của ông Điểu Bảy và trồng cây điều mới lên diện tích đất của ông Điểu Bảy đã khai hoang từ năm 1997 thì quá xem thường pháp luật!
Đặc biệt, vào ngày 29/5/2019, tại Bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo, ông Nông Văn Sỹ đã đứng tên bán lô đất 3 ha cho bà Thị Thuận (vợ của ông Điểu Sang), có hộ khẩu thường trú tại xã Bon Đăng K’liêng, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Theo trình bày của bà Thuận, ông Nông Văn Sỹ đứng tên mua bán đất với bà, nhưng thực chất số tiền 900 triệu đồng là vợ chồng bà đưa cho ông Thương (nguyên là cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín – con của ông Long, tên thường gọi là ông Long krốt). Nay ông Thương đã chuyển về làm cán bộ Ngân hàng HDBANK tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Số tiền này là vợ chồng ông Điểu Sang và bà Thị Thuận nhờ ông Thương vay vốn tại Ngân hàng HDBANK, sau khi được giải ngân thì ông Thương lấy 900 triệu đồng tiền mua 3 ha đất.
Đất ông Điểu Bảy đã khai hoang nhiều năm bỗng dưng bị chiếm. |
Theo giấy thỏa thuận, bà Thuận sẽ trả toàn bộ vốn mà ông Nông Văn Sỹ đã đầu tư trên diện tích đất 3 ha, nhưng thực chất đây là một hình thức “che mắt thế gian”. Thương vụ này cũng giống như bà Phạm Thị Thu Hiền, sinh năm 1958, Giám đốc Công ty Bảo Châu đã thực hiện và bị truy tố trước pháp luật. Rtêng ông Nông Văn Sỹ vẫn không bị xử lý theo quy định của pháp luật, mặc dù ông Điểu Bảy đã làm đơn tố cáo ông Nông Văn Sỹ đến các cơ quan chức năng!
Thực tế cho thấy, các công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất thì không thực hiện đúng như cam kết. Các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương, chính sách của tỉnh, thuê được đất thì mang đi bán để kiếm lợi nhuận.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp để xử lý các công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã nhưng vẫn không hiệu quả. Cuối cùng, hậu quả xảy ra là cả xã hội phải gánh chịu: Rừng tự nhiên bị tàn phá nặng nề, người dân bám đất, bám rừng bao năm qua bỗng mất trắng.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm việc để mất rừng tự nhiên và đất trồng rừng trên địa bàn xã Đắk Ngo nói riêng và trên toàn tỉnh Đắk Nông nói chung, nếu có dấu hiệu phạm tội có tổ chức cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Đức Hồng