Đak Đoa - Một trong ba trọng điểm hút vốn đầu tư ở Gia Lai
Dòng vốn khổng lồ lên tới 820.000 tỷ đồng đổ vào Gia Lai trong thời gian ngắn đã kích hoạt sự phát triển của địa phương. Trong đó, TP.Pleiku và các khu vực trung tâm mới như Đak Đoa, Man Yang là những trọng điểm thu hút vốn đầu tư.
Gia Lai – điểm sáng thu hút đầu tư ở Tây Nguyên
Những năm qua, Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư chiến lược. Dòng vốn đầu tư khổng lồ của doanh nghiệp đã dẫn đến bùng nổ dự án đầu tư và kích hoạt sự phát triển của địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Gia Lai đã thu hút 589 dự án, với tổng vốn đăng ký 820.000 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần về số dự án và tăng 34 lần về vốn. Trong đó, TP. Pleiku và khu vực trung tâm mới Đak Đoa, Man Yang là trọng điểm thu hút vốn đầu tư.
Một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của Gia Lai là năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút hơn 40.000 tỷ đồng.
Tiếp đó, là tuyến cao tốc 56.000 tỷ đồng mở lối kết nối Gia Lai và Tây Nguyên "vươn biển". Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự kiến, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku đi qua các địa phương thuộc địa bàn Gia Lai như Đak Đoa, Man Yang... Kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức.
Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2025), sẽ làm trước 2 làn xe, giải phóng mặt bằng 4 làn xe… với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai (2026-2030) sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Gia Lai nằm ở trung tâm vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Gia Lai tới năm 2035, tầm nhìn tới năm 2050 trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và động lực trong vùng tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh Gia Lai có Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm giáp với Campuchia được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tính chất đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế về vị trí kinh tế cả tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc - Nam) sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Đak Đoa với định hướng trở thành trung tâm Logistics quốc tế của Tây Nguyên
Đak Đoa nằm trên cung đường “vươn biển” của khu vực Tây Nguyên và tiếp giáp với TP. Pleiku. Thị trấn cũng nằm tại vị trí trọng điểm tuyến cao tốc kết nối Quy Nhơn - Bình Định. Đây sẽ là điều kiện phát triển đặc biệt quan trọng của Đak Đoa với định hướng là Trung tâm Logistics quốc tế Tây Nguyên, khẳng định vị thế chiến lược trong chuỗi phát triển kinh tế của toàn vùng.
Định hướng lên đô thị loại IV giúp thị trường Đak Đoa trở nên sôi động hơn. Đak Đoa cũng đã và đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, giao thông, thương mại. Nhiều thương hiệu bất động sản lớn cũng đã tới Đak Đoa phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, gia tăng thêm sức nóng cho thị trường bất động sản nơi đây.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: Đến năm 2025, thị trấn Đak Đoa phấn đấu đạt 5/5 tiêu chí và 52/52 tiêu chuẩn về đô thị loại IV; đạt 24 tiêu chí đô thị văn minh và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Hướng tới mục tiêu đó, huyện sẽ đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; Thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan; Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
PV