Thứ sáu, 10/05/2024 11:41 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 12:40 (GMT+7)

Đại Từ - Thái Nguyên: Quy hoạch 5 vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn gần 5.000 ha

Theo dõi KTMT trên

Huyện Đại Từ đã quy hoạch 5 vùng chè tập trung ở 17 xã, thị trấn với gần 5.000 ha; từ đó bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như hệ thống giao thông, đường điện, thủy lợi, vệ sinh môi trường…

Hiện với 6.602 ha chè, huyện Đại Từ là địa phương có diện tích chè đứng đầu tỉnh Thái Nguyên.

Xác định chè là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân địa phương, huyện Đại Từ đã, đang tập trung nguồn lực để phát triển và nâng cao giá trị cây chè.

Huyện đã quy hoạch 5 vùng chè tập trung ở 17 xã, thị trấn với gần 5.000 ha; từ đó bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như hệ thống giao thông, đường điện, thủy lợi, vệ sinh môi trường… tạo điều kiện tối đa cho việc trồng, chăm sóc, thu hoạch chè. Nhờ đó, năng suất, chất lượng chè của toàn huyện đang dần nâng cao.

Đại Từ - Thái Nguyên: Quy hoạch 5 vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn gần 5.000 ha - Ảnh 1
Xác định chè là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân địa phương, huyện Đại Từ đã, đang tập trung nguồn lực để phát triển và nâng cao giá trị cây chè.

6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt trên 43.700 tấn, bằng 56,49% kế hoạch năm. Đến nay toàn huyện đã có khoảng 1.636 ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 15 ha chè được chứng nhận hữu cơ; trên 100 ha chè đang thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hữu cơ; có 24 sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP (10 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 14 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao).

Để thực hiện mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản lượng chè của huyện đạt 82.000 tấn, giá trị sản xuất chè đạt 2.230 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 400 triệu đồng, Đại Từ đã đưa ra 6 giải pháp cụ thể để phát triển cây chè trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Trong đó có việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để góp phần quảng bá sản phẩm chè, đa dạng hóa trong phát triển kinh tế nông thôn, thu hút du khách về thăm quan, trải nghiệm vùng chè từ đó kích cầu tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương.

Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên diễn ra vào tháng 2/2023, ông Trần Đăng Minh phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ đã có bài phát biểu đóng góp về định hướng phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.

Ông Minh cũng đưa ra những lợi thế về phát triển cây chè ở trên địa bàn huyện Đại Từ.  Qua đó cho thấy, việc quy hoạch những vùng sản xuất chè tập trung sẽ tạo được nguồn lực tổng hợp để phát triển và nâng cao giá trị cây chè trên địa bàn huyện.

Tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên được giao là chủ sở hữu. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được đăng ký bảo hộ thành công tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh... đã được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị và thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường với các sản phẩm chè Thái Nguyên.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Đại Từ - Thái Nguyên: Quy hoạch 5 vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn gần 5.000 ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới