Thứ năm, 18/04/2024 14:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/01/2020 08:54 (GMT+7)

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS

Theo dõi KTMT trên

17 năm đã trôi qua, câu chuyện về dịch SARS đối với nhiều người chỉ còn là những ký ức xưa cũ. Thế nhưng cuộc chiến giữa những người thầy thuốc và dịch bệnh luôn là câu chuyện khó khăn và gian khổ, thậm chí phải đối mặt với tử thần.

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS - Ảnh 1
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán ngày 25/1 (Ảnh: REUTERS)

Rạng sáng nay (31/1, theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của chủng mới của virus Corona (2019- nCoV).

Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca chỉ trong vòng vài ngày. Truyền thông dẫn lời giới chức Trung Quốc sáng 31/1 cho hay đã có 213 người chết vì virus corona Vũ Hán. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc lên tới 98 ca ở 18 nước, theo SCMP.

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS - Ảnh 2Số người tử vong do virus Corona tại Trung Quốc đã lên tới 212 người

Sự lây lan của loại virus Corona ngay lập tức khiến mọi người nhớ lại đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt đầu vào tháng 11 năm 2002. Người ta lo ngại rằng với tốc độ lây lan nhanh và việc chưa thể có ngay vaccine ngừa Corona, cuộc chiến chống loại virus này sẽ vô cùng khốc liệt, thậm chí có thể khó khăn và gian khổ hơn nhiều so với dịch SARS giai đoạn 2002-2003.

17 năm đã trôi qua, câu chuyện về dịch SARS đối với nhiều người chỉ còn là những ký ức xưa cũ. Thế nhưng, cuộc chiến giữa những người thầy thuốc và dịch bệnh nguy hiểm luôn là câu chuyện khó khăn và gian khổ, thậm chí là đối mặt với tử thần.

Có lẽ không nhiều người biết rằng ngay cạnh cổng vào của bệnh viện Việt – Pháp, Hà Nội là khu miếu nhỏ thờ 6 bác sĩ đã hi sinh năm 2003 trong lúc chiến đấu, ngăn chặn thành công đại dịch SARS ở Việt Nam cách đây 17 năm.

Khu miếu nhỏ nằm cạnh cổng ra vào, ngay dưới gốc cây đa lớn. Hàng tháng, cứ vào mùng một và ngày rằm, các y bác sĩ đều đến thắp hương tỏ lòng thành kính với những người thầy thuốc anh hùng đã hi sinh ngay trong thời bình.

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS - Ảnh 3
Ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ hi sinh trong đại dịch SARS. (Ảnh: Tiền Phong)

17 năm trước, Bệnh viện Việt-Pháp (Hà Nội) bị cách ly, đóng cửa, 65 người nhiễm. Cả tuyến phố Phương Mai gần đấy không có một bóng người. Nỗi lo sợ ngập tràn thành phố.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên mắc dịch. Đội ngũ y bác sĩ quốc tế khắp nơi đổ về hỗ trợ. Bệnh viện Việt-Pháp nằm trong tâm điểm theo dõi dịch của WHO. Thời điểm này, y bác sĩ không được ra ngoài. Các bác bảo vệ cũng phải thuê trọ gần đó vì không dám về gia đình. Các thiết bị tối tân đều rất khó sử dụng với loại bệnh mới chưa từng có phác đồ điều trị.

Bệnh viện Việt-Pháp là tiền đồn chống SARS, không chỉ ở Việt Nam mà còn là một trong những tiền đồn ngăn chặn bệnh của thế giới. Trong 45 ngày ròng, các y bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã phải đối mặt với tử thần.

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS - Ảnh 4Hà Nội phát hiện 14 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona

Lúc cao điểm, một nửa nhân viên có triệu chứng bất thường. Nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh. Nhưng WHO hay các bác sĩ tình nguyện quốc tế vẫn đổ về Việt-Pháp để ngăn chặn bệnh. 6 y bác sĩ cả trong và ngoài nước đã ra đi mãi mãi. Trong đó, một bác sĩ trước khi mất đã tình nguyện hiến lá phổi của mình để những người ở lại có cơ sở nghiên cứu và ngăn chặn bệnh.

Trên tấm bia tưởng niệm trong ngôi miếu nhỏ ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, theo thứ tự thời gian họ ra đi trong năm 2003:

1/ Y tá Nguyễn Thị Lượng (15/3).

2/ Bác sĩ Jean - Paul Dirosier (19/3).

3/ Y tá Phạm Thị Uyên (24/3).

4/ Bác sĩ Nguyễn Thế Phương (24/3).

5/ Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội (12/4).

6/ Bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Trong danh sách này còn thiếu 1 cái tên: Carlo Urbani, bác sĩ người Ý làm việc cho tổ chức y tế thế giới, là người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh quái ác này, ông mất tại 1 bệnh viện ở Thái Lan một thời gian ngắn sau đó và vài năm sau, Tổ chức Y tế Thế giới cùng với Bộ Y tế đã có 1 buổi lễ tưởng niệm và ghi ơn ông.

Sau 45 ngày oằn mình chiến đấu chống SARS, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được WHO tuyên bố ngăn chặn thành công đại dịch có nguy cơ toàn cầu. Khoảnh khắc ấy có rất nhiều nước mắt đã rơi. Đó là nước mắt của sự hân hoan khi Việt Nam đã thoát khỏi nguy cơ đại dịch. Nhưng đó cũng là nước mắt thương xót, tri ân những người đã ngã xuống. Và đó còn là niềm tự hào khi nền y tế của quốc gia đã hoàn thành trách nhiệm quốc tế về ngăn chặn đại dịch.

Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS - Ảnh 5WHO ban bố trình trạng khẩn cấp toàn cầu về bùng phát của virus Corona

Ở thời điểm hiện tại, khi cộng đồng có nhiều hoang mang, lo lắng về virus Corona, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ những ký ức cũ về đại dịch SARS trước đây.

“Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, y tế của chúng ta vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện. Song 45 ngày chống SARS ấy xứng đáng được ghi vào lịch sử về những nỗ lực và hi sinh của các y, bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Nghĩ về chuyện đó, ta cũng thấy xứ sở mình nhỏ bé và mạnh mẽ biết bao nhiêu” - một cư dân mạng chia sẻ.

Những mốc dịch SARS lây lan ở Việt Nam:

- 23/2/2003: Bệnh nhân Chung Cheng từ Hong Kong nhập cảnh Việt Nam, mang theo các triệu chứng bệnh cúm lạ.

- 26/2/2003: Chung Cheng nhập viện Việt Pháp, là người đầu tiên tại Việt Nam được xác định mắc bệnh SARS.

- 5/3/2003: Bệnh viện Việt Pháp được cách ly.

- 13/3/2003: Viện Y học lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên.

- 15/3/2003: Người Việt Nam đầu tiên chết vì SARS, là y tá Bệnh viện Việt Pháp. Sau đó là 4 y bác sĩ khác của bệnh viện này lần lượt tử vong.

- Từ ngày 8/4/2003 trở đi: Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới nào.

- 28/4/2003: Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Đại dịch Corona và câu chuyện về ngôi miếu nhỏ thờ y bác sĩ hy sinh vì SARS. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới