Thứ sáu, 27/12/2024 03:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/02/2021 08:26 (GMT+7)

Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi KTMT trên

Khu vực miền núi phía Bắc là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông… Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng trong phong tục đón Tết làm nên bản sắc văn hóa đa dạng cho cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Tục gánh nước đầu năm của người Mông

Đồng bào người Mông không định ra một ngày cụ thể trong năm để đón Tết như người Kinh mà ăn Tết theo mùa vụ. Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con thu hoạch xong mùa màng, người Mông sẽ thống nhất cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1
Người Mông đi vui xuân đầu năm. (Ảnh minh họa)

Nếu vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước người Mông đều ăn Tết như thế thì nhiều năm trở lại đây, ngày càng nhiều địa phương như Lào Cai, Nghệ An người Mông tổ chức đón Tết cổ truyền trùng với Tết Nguyên đán.

Tết của người Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Người Mông quan niệm ngày với đêm rõ ràng với nhau, hết ngày là hết năm rồi và trước khi mặt trời lặn cả dòng họ sẽ cùng thực hiện lễ đón năm mới gọi là lễ lử-xu. Sau lễ lử-xu mỗi gia đình trở về nhà để làm lễ thay bàn thờ, một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông.

Những ngày quan trọng nhất trong Tết của người Mông là ngày 30 Tết, các gia đình trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị đón tổ tiên về. Mồng Một làm lễ cúng tổ tiên và từ chiều mùng Một, mồng Hai người Mông sẽ đi thăm họ hàng, thầy cô. Sau khi làm lễ tiễn tổ tiên vào mồng Ba thì người lớn trẻ nhỏ nô nức đi trẩy hội, du Xuân.

Hiện nay, nhờ đã có những bể nước tập trung mà nhiều nơi bà con người Mông không còn phải ngày ngày đi gánh nước nhưng tập tục gánh nước đầu năm không hề bị lãng quên. Khi có tiếng gà gáy đầu tiên sớm mùng Một, gia đình nào cũng dậy sớm để đi gánh nước mới về nấu ăn. Ai gánh được nước sông suối về đầu tiên thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng, thành công hơn những gia đình khác. Bếp lửa luôn đỏ hồng của người Mông.

Tết nhảy của dân tộc Dao

Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào nhà ấy đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng Xuân.

Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2
Tết nhảy của người Dao. (Ảnh minh họa)

Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là “Nhiang chằm Ðao” để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên Ðán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Phong tục lấy nước đêm giao thừa của người Tày, Nùng

Theo quan niệm của dân tộc Tày, Nùng, năm hết Tết đến có ý nghĩa rất quan trọng là tổng kết, đánh giá kết quả trong một năm về thành quả lao động, sản xuất và dự định những kế hoạch mới. Để chuẩn bị đón Tết, mỗi gia đình chuẩn bị một cây nêu. Đúng chiều 30 Tết, cây nêu được dựng ngay sàn nhà. Bàn thờ được trang trí lại và dọn dẹp sạch sẽ, các chân hương cũ trong năm bỏ đi.

Chiều 30 Tết, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết như: Bánh chưng, bánh khảo, chè lam... theo phong tục; ngoài các món ăn truyền thống không thể thiếu con gà thiến để cúng. Gà cúng cần chọn con to, béo nhất đàn. Khi đã hoàn thành các món ăn, mâm cúng được bày lên bàn thờ chính. Nhiều gia đình còn lập thêm mâm cúng được đặt bên ngoài nhà vì quan niệm để dành cho những linh hồn tha phương.

Thời khắc giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ. Người đến mỏ nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm.

Người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thể có thêm con hoặc anh em cùng đi. Khi đi lấy nước, đồng bào mang theo hương vàng, đồ lễ (thường là một ít tiền vàng bằng giấy bản) đến thắp hương ở miếu thờ thổ công, sau đó đi đến mỏ nước đầu nguồn để lấy nước đầu năm. Dụng cụ lấy nước thường là ống bương dán giấy đỏ hoặc vải thổ cẩm, đòn gánh và gáo tre to để múc nước.

Trước khi lấy nước, đồng bào Tày, Nùng làm thủ tục thắp hương ngay vị trí mỏ nước, sau đó lấy nước và đem về nhà. Trên đường về, họ hái một cành lộc mang về.  Nước đem về từ đầu nguồn, được đồng bào đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó, một phần nước sẽ được đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, còn lại để rửa mặt.

Dân tộc Lô Lô đi “ăn trộm” lấy may

Người Lô Lô quan niệm thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi…

Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì.

Xem lá gan đoán vận hạn của người Hà Nhì

Người Hà Nhì không ấn định cụ thể ngày ăn Tết hàng năm mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm. Dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng, khả năng kinh tế chung mà đưa ra ngày cụ thể. Thường vào khoảng tháng 11 Dương lịch, Tết cổ truyền của người Hà Nhì sẽ diễn ra và còn được gọi là Cố Nhị Chà.

Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3
Vui Xuân mới của người Hà Nhì. (Ảnh minh họa)

Sau khi thời điểm đã được xác định, theo phong tục, buổi chiều tất niên, mỗi gia đình cúng một con gà để tiễn biệt năm cũ. Người Hà Nhì không gói bánh chưng mà thay vào đó là bánh gù, loại bánh hình ống, dài hơn một gang tay. Ngoài ra, còn có bánh dầy, bánh trôi.

Điểm đặc sắc nhất trong văn hóa Tết của người Hà Nhì đó là trong bản, nhà nào mổ trâu thì được coi là ăn tết to, còn nếu đơn giản lắm thì cũng phải mổ chú lợn béo tốt cỡ một tạ ăn “lai rai” mấy ngày tết. Việc đầu tiên sau khi lợn được mổ là lấy lá gan để xem. Người Hà Nhì cho rằng lá gan sẽ cho thấy vận hạn của năm tới. Nếu lá gan có mầu đỏ sẫm tức là năm tới gặp rất nhiều may mắn. Còn nếu trong lá gan có vết như vết sẹo hoặc có những vết tụ máu đen ở mật tức là năm đó gia đình có chuyện không may.

Trong dịp Tết, những người cao tuổi lập thành từng nhóm để đi chúc Tết các gia đình trong nhóm và trong họ.

Cây nêu đón Tết của dân tộc Mường

Giống như nhiều dân tộc, phong tục đón Tết cổ truyền được người Mường coi là một trong những lễ hội lớn của năm.

Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4
Phong tục hát sắc bùa đầu năm mới của dân tộc Mường. (Ảnh minh họa)

Đúng vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà trong bản Mường đều trồng cây nêu ở nơi trang trọng nhất trước ngôi nhà của mình. Đây là một phong tục lâu đời, mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn bó bền chặt với đời sống tín ngưỡng dân gian của người Mường.

Cây nêu là cây có họ hàng với loài tre, phải có thân thật thẳng, các lóng thật dài, tán ngọn phải tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Cây nêu thẳng, cao 8m, ngọn còn nguyên vẹn lá được tỉa chọn hình cái lộng. Gốc còn nguyên bầu đất, chỉ thân cây là được tỉa sạch các cành. Khi cây nêu được đặt ngay ngắn trên giá.

Trong những ngày Tết, người Mường còn có một phong tục đặc sắc mà họ lưu giữ được là hát sắc bùa. Đây là một thể loại hát chúc tụng năm mới. Ngày mùng 1, mùng 2, trẻ con Mường dắt nhau đi hàng đàn, đánh cồng rộn ràng, miệng hát sắc bùa. Đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho trẻ ít tiền hoặc bánh. Trong ngày xuân, hội cồng Mường là hội không thể thiếu.  

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Đặc sắc phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn
Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.
Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé
Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình.

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.