Đà Lạt hướng đến thành phố du lịch xanh, du lịch sinh thái (Bài 1)
Xác định mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững, Đà Lạt đã tích cực triển khai các Quy hoạch, Chiến lược du lịch được Chính phủ phê duyệt, xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành một trong những đô thị xanh của cả nước.
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, TP. Đà Lạt là nơi du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Nơi đây vốn nổi tiếng không chỉ vì khí hậu mát mẻ trong lành, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn hấp dẫn du khách vì nhịp sống nhẹ nhàng dễ chịu, con người luôn thân thiện, hiền hoà, mến khách, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đà Lạt đa dạng, hấp dẫn; được hình thành bởi những yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ động - thực vật... tạo nên nhiều hình thái cảnh quan, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng. Đà Lạt còn lưu giữ các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, hệ thống dinh thự, biệt thự, như: Dinh I, II, III; Ga Đà Lạt; trường Cao Đẳng Sư Phạm; nhà thờ Chánh Tòa.... Đây cũng là nơi hội tụ cư dân của các vùng miền đến sinh sống và phát triển kinh tế, tạo nên nét văn hóa đặc thù cho TP. Đà Lạt , hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đã và đang tích cực triển khai các Quy hoạch, Chiến lược du lịch như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Trong đó, phát triển các sản phẩm du lịch chính dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; hội nghị - hội thảo; tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa; du lịch nông nghiệp,công nghệ cao; du lịch thể thao...
Với mục tiêu khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống và các giá trị văn hoá - lịch sử để phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững. Xây dựng hình ảnh Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện, xây dựng TP. Đà Lạt trở thành một trung tâm du lịch lớn của vùng Tây Nguyên và cả nước. TP. Đà Lạt – Lâm Đồng đã và đang quan tâm chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông nhằm phá thế độc đạo, khó khăn về giao thông giữa Lâm Đồng với các địa phương trong khu vực.
Đến nay, Đà Lạt – Lâm Đồng có thể kết nối giao thông thuận lợi với nhiều địa phương, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực và cả nước qua nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như: Quốc lộ 20 nối Đà Lạt – Lâm Đồng với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, quốc lộ 27C nối Đà Lạt với Nha Trang – Khánh Hòa… Trong tương lai khi dự án đường cao tốc Liên Khương – Dầu Giây được đầu tư sẽ tạo nên sự kết nối thuận lợi giữa Đà Lạt - Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ... Về đường hàng không, hàng ngày có nhiều chuyến bay đi nội địa và quốc tế.
Với nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn đa dạng, phong phú; cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng; cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của khách đã tạo điều kiện cho Đà Lạt có thể phát triển du lịch sinh thái - một loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, giúp bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Du lịch sinh thái đã và đang phát triển trên một tầm cao mới để góp phần vào sự phát triển du lịch của TP. Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Trong những năm qua, kinh tế du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổng số lượng khách và doanh thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước, hàng năm tỉnh Lâm Đồng đón và phục vụ cho hàng triệu lượt khách du lịch. Cơ sở vật chất ngành du lịch ngày càng được đầu tư tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch cũng đang có bước phát triển đáng kể.
Để TP. Đà Lạt – Lâm Đồng thật sự là thành phố du lịch xanh, du lịch sinh thái và nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch cần phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và đảm bảo tính bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ để du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố xanh.
Tập trung phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ lợi thế như: du lịch sinh thái gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch hội thảo – hội nghị; du lịch gắn với huấn luyện thể thao; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; giữ gìn, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là “Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên” để thu hút khách.
Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện các chính sách về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tạo sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến được đẩy mạnh đến các thị trường tiềm năng, thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Đà Lạt và các địa phương trong cả nước. Xây dựng các tour tham quan vườn trà, rau, hoa chất lượng cao gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, các địa phương trong nước, tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt quan tâm đến trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, đội ngũ lao động trong ngành du lịch giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, nâng chất lượng của đội ngũ làm du lịch lên trình độ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu và hội nhập. Phát triển mạnh mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Hy vọng cùng với sự quyết tâm nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của toàn ngành du lịch cộng với tiềm năng, lợi thế du lịch toàn vùng sẽ tạo nên một bước đột phá cho du lịch Đà Lạt từ đó thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nội dung: Thuận Hòa - Uy Tín
Thiết kế: Hải An