Thứ năm, 21/11/2024 20:21 (GMT+7)
Thứ tư, 11/09/2024 10:57 (GMT+7)

Đã có tới 201 người chết và mất tích do bão số 3

Theo dõi KTMT trên

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, tính đến 9 giờ ngày 11/9/2024, có 201 người chết, mất tích (trong đó 143 người chết, 58 người mất tích).

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê một số thiệt hại tính đến 9 giờ ngày 11/9/2024, có 201 người chết, mất tích (trong đó 143 người chết, 58 người mất tích).

Cụ thể tại một số địa phương: Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích); Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích). Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích). Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). Hải Phòng: 2 người chết do bão. Hải Dương: 1 người chết do bão. Hà Nội: 1 người chết do bão. Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích). Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích). Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất. Vĩnh phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền). Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất).

Lũ các sông đặc biệt lớn, xuống chậm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 2, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9, trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.

Đã có tới 201 người chết và mất tích do bão số 3 - Ảnh 1
Lũ các sông đặc biệt lớn, xuống chậm.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; tại Phú Thọ xuống mức báo động 1; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2; lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức báo động 2; lũ trên sông Thái Bình biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức báo động 2.

Cảnh báo, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

 Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ

Trước tình hình thiệt hại của người dân, hôm qua 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão gửi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và các Bộ, ngành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng.

Các địa phương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu; Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Đã có tới 201 người chết và mất tích do bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.