Thứ năm, 09/05/2024 03:30 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/12/2021 10:00 (GMT+7)

Cuộc sống của hổ sau khi được cứu hộ

Theo dõi KTMT trên

Ngoài khó khăn về chuồng nuôi, chăm sóc, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ việc nuôi dường hổ cũng là vấn đề lớn đặt ra.

Lời giải cho bài toán cứu hộ hổ

Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, khó khăn hiện nay Trung tâm đang gặp phải trong việc nuôi, chăm sóc hổ nói riêng và các loài động vật hoang dã khác nói chung là nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất. 

Với diện tích và quy mô chuồng nuôi như hiện nay, Trung tâm không đáp ứng được cho việc cứu hộ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là những vụ việc mà cơ quan chức năng bắt giữ hoặc cùng lúc có nhiều loại động vật thu giữ bàn giao cho đơn vị.

Cuộc sống của hổ sau khi được cứu hộ - Ảnh 1
 Cần giải được bài toán cứu hộ, nuôi nhốt, chăm sóc một cách bền vững. (Ảnh: Tạp chí Tòa án)

Là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã duy nhất của Nhà nước trên địa bàn, nhưng diện tích chuồng nuôi và quy mô chuồng trại... không đáp ứng được để nuôi nhốt các con hổ đang lớn dần lên.

Ngoài khó khăn về chuồng nuôi, chăm sóc, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ việc này cũng là vấn đề lớn đặt ra. Thực tế, tất cả các hoạt động của Trung tâm được duy trì từ nguồn kinh phí ngân sách của tỉnh cấp hàng năm (khoảng từ 400-500 triệu đồng/năm).

Nếu có nhiều động vật hoang dã đưa đến cho Trung tâm cứu hộ và nuôi, chăm sóc, đồng nghĩa với kinh phí để duy trì hoạt động, mua thức ăn chăm nuôi động vật và chi trả lương cho nhân viên, các khoản chi khác sẽ tăng lên. Với khoản kinh phí được phân bổ như vậy sẽ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết thêm, khi các con hổ này trưởng thành, việc nuôi tại Trung tâm sẽ không đáp ứng được. Vì vậy, Vườn đang đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh trước mắt cho chủ trương chuyển các con hổ này đến trung tâm cứu hộ khác ở ngoài tỉnh có chức năng, nhiệm vụ cứu hộ, đáp ứng được việc nuôi, chăm sóc hổ.

"Đây là khó khăn của Vườn và cũng là khó khăn của tỉnh. Vì vậy, Vườn đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh cho mở rộng quy hoạch trung tâm cứu hộ này cũng như đầu tư một số cơ sở vật chất, chuồng trại đủ lớn, đáp ứng cho việc cứu hộ, nuôi, chăm sóc động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thú lớn cần cứu hộ, nuôi, chăm sóc," ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Việc đầu tư mở rộng Trung tâm không chỉ đáp ứng cho việc nuôi nhốt, chăm sóc động vật hoang dã, mà còn tạo nên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong Vườn Quốc gia Pù Mát; kết hợp xây dựng một số phân khu chức năng có đủ điều kiện, đủ lớn về mặt diện tích, quy mô phục vụ việc nuôi nhốt, chăm sóc động vật hoang dã gắn với phát triển du lịch, phục vụ khách tham quan.

Làm được những việc trên mới mong giải được bài toán cứu hộ, nuôi nhốt, chăm sóc một cách bền vững, đúng quy định các loài động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng trên địa bàn Nghệ An.

Tất cả vì mục tiêu tái hòa nhập thiên nhiên

Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nhưng vì tình yêu với động vật hoang dã, tập thể Trung tâm vẫn nỗ lực, trách nhiệm để mọi cá thể động vật hoang dã đang được cứu hộ luôn khỏe mạnh, sớm tái hòa nhập về thiên nhiên.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn cân đối lao động để chăm sóc các cá thể động vật hoang dã với định mức cụ thể theo quy định, bởi không thể so sánh loài nào chăm sóc dễ hay phức tạp hơn loài nào. Lúc nào cũng đảm bảo 2 công nhân/chuồng nuôi nhốt động vật hoang dã, mọi thao tác, mọi khâu chăm sóc, cứu hộ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí an toàn.

Cuộc sống của hổ sau khi được cứu hộ - Ảnh 2
Tất cả vì mục tiêu tái hòa nhập thiên nhiên. (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Thành Trung - nhân viên chăm sóc khu chuồng hổ của Trung tâm cho biết, hổ là loài động vật hung dữ, chỉ cần thấy người lạ đi qua là chúng sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng “thị uy”. Chỉ những người gan dạ, có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc. Mọi thao tác như lùa hổ vào các ngăn chuồng, cho chúng ăn, vệ sinh chuồng đều phải thao tác thật nhanh và an toàn.

Mỗi nhân viên ở Trung tâm đều có công việc riêng, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài thường khác nhau, có loài ăn tạp, có loài khá kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng không dễ dàng. Do đó, mọi công việc chăm sóc ở đây đều phải rất tỉ mỉ và hiểu sở thích, tính nết từng loài động vật để có biện pháp chăm sóc hợp lý.

Chẳng hạn như rùa, sẽ chết khi nhiệt độ trên 30 độ C, để bảo đảm sự sống cho chúng, Trung tâm phải lắp điều hòa và phải nhốt từng cá thể riêng lẻ vì chúng không thể sống chung. Tuy nhiên, không vì thế nhân viên nản lòng, mọi thao tác, khâu chăm sóc, cứu hộ đều được giám sát, thực hiện chặt chẽ để chúng vừa khỏe mạnh, vừa không quên bản năng, dễ thích nghi khi được trả về môi trường tự nhiên…

Nói về những khó khăn trong quá trình cứu hộ, chăm sóc các loài động vật hoang dã, Giám đốc Trung tâm Lương Xuân Hồng chia sẻ, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa của Trung tâm chưa như mong muốn, do số lượng động vật hoang dã thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp.

Trong khi đó, dự án mở rộng Trung tâm chưa được triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã. Hơn nữa, động vật hoang dã đưa đến Trung tâm phần lớn được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày nên công tác cứu hộ, chăm sóc rất gian nan.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cuộc sống của hổ sau khi được cứu hộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.