Cuộc phiêu lưu vào rừng thẳm
Một chuyến tìm về với thiên nhiên hoang sơ, nguyên bản, tạm xa thế giới văn minh, nhưng không phải là một cuộc “chạy trốn”. Mà đi, là để tìm lại chính mình.
“Món quà” cho những trái tim dũng cảm
Đã đến Quảng Bình nhiều lần nhưng chưa khi nào tôi hết ngạc nhiên, say mê với những trải nghiệm kỳ thú mà xứ sở được mệnh danh “vương quốc hang động” này mang lại. Những bí ẩn thôi thúc tôi cùng vài người bạn dấn thân vào hành trình khám phá “hố sụt quái vật” Kong và hệ thống hang Hổ.
Là tour mạo hiểm với độ khó cao tại Việt Nam hiện nay, trải nghiệm này đòi hỏi người tham gia phải chuẩn bị không chỉ thể lực tốt mà còn cả tinh thần vững vàng. Tất nhiên, trang phục, giày dép, đồ dùng cá nhân cũng không thể sơ sài.
Trước chuyến đi, đơn vị khai thác độc quyền là Công ty TNHH Jungle Boss (thị trấn Phong Nha) đã báo trước với chúng tôi rằng trong tổng cộng 60 giờ, đoàn sẽ vượt qua quãng đường trekking 21 km xuyên rừng, gần 7 km trong hang động, bơi qua khoảng 500 m sông ngầm với nhiệt độ 17-18 độ C, và đu dây tại hố sụt Kong…
Hành trình hấp dẫn khiến chúng tôi thực sự háo hức và đâu đó vẫn còn chút lo lắng. Xe đi qua Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng thì điện thoại bắt đầu mất sóng. Kể từ đây, những liên lạc với cuộc sống thường ngày: mọi lo toan, phiền não, mọi email cần trả lời gấp, mọi deadline cần thực hiện ngay…. đều được bỏ lại phía sau.
Trước mắt chỉ ngập tràn một màu xanh!
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là định nghĩa hoàn hảo của từ jungle – rừng rậm nhiệt đới. Mặt đất ken chặt các loài dây leo, cây bụi, thân cây đổ và đá sắc lổn nhổn. Những con dốc dựng đứng càng trơn trượt sau cơn mưa, chẳng có cách nào khác là chúng tôi phải bám vào rễ cây để leo lên. Trên những phiến đá, trên mặt đất ẩm là những con vắt ngoe nguẩy, chỉ đợi con người sơ sẩy là bám chặt vào giày, vào quần áo.
Bốn bề yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng thở phì phò của người đi trước và thỉnh thoảng vang vọng tiếng chim kêu, vượn hót. Theo thói quen, tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi vẩn vơ, thì ngay lập tức đã phải giật mình vì chân vấp vào đá. Rừng yêu cầu ở chúng tôi sự hiện diện hoàn toàn, sự tập trung toàn bộ. Đã rất lâu rồi tôi mới có cảm giác thực sự sống trong hiện tại, mắt chú ý từng bước chân, mọi giác quan đều được rừng xanh xâm chiếm, lấp đầy.
Đến khi hai má đỏ bừng, thái dương chạy rần rật vì nóng thì chúng tôi đã đứng trước sông ngầm ngay miệng hang Hổ (còn có tên gọi là hang Đại Ả). Cởi bỏ quần áo đẫm mồ hôi để thay bằng bộ đồ bơi, thò chân xuống hồ, tôi thoáng rùng mình vì giá buốt. Nước lạnh như nước đá, mặt hồ mênh mông, tối om, không thấy bờ bến.
Lấy hết can đảm, tôi buông mình xuống nước, thật may sau một hồi vùng vẫy đạp chân, đạp tay cật lực, thì cảm giác khoan khoái, mát mẻ lan tỏa toàn cơ thể.
Chờ đợi tôi ở phía bên kia là hố sụt Kong – được đặt tên theo nhân vật khỉ đột khổng lồ trong bộ phim bom tấn Hollywood từng ghi hình tại Quảng Bình. Với độ sâu khoảng 450 m, đây là một trong những hố sụt (collapse) tự nhiên sâu nhất hành tinh, chứa đựng cả một khu rừng nhỏ xanh mướt mát.
Cảm tưởng như chúng tôi đã quay trở về thời hồng hoang, thuở khai thiên lập địa khi mặt đất còn hoang vu. Phải đứng ở đó, ngước nhìn lên các vách đá xám dựng đứng và khoảng trời xanh thẳm trên cao, mới thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên và sự bé nhỏ của con người.
Ngày thứ hai của chúng tôi gần như diễn ra trọn vẹn trong hệ thống hang Hổ, hang Over và hang Pygmy. Cảm giác trong hang là một sa mạc khổng lồ, không có dấu vết của sự sống, không có bóng dáng của một ngọn rêu, lá cỏ. Chỉ có bóng tối đặc quánh, những nhũ đá lấp lánh ánh lân tinh, những đụn đá cao khổng lồ, những viên “ngọc động” tròn xoe, hoàn hảo đến khó tin.
Vòm hang cao vút - soi đèn không thấy trần, vực thì sâu hoắm – thử ném viên đá nhỏ xuống mà mãi không nghe thấy âm thanh chạm đáy… Những “kẻ xâm nhập” như chúng tôi chỉ là những chấm nhỏ yếu ớt trong một công trình tuyệt tác mà tạo hóa đã dành hàng triệu năm để đẽo gọt nên.
Trong hang có những khoảng hẹp mà chúng tôi chỉ có thể nằm bẹp xuống để bò qua. Có những lối đi trơn trượt vòng quanh vực, chúng tôi phải thắt chặt dây an toàn, dò dẫm từng bước trong ánh sáng của chiếc đèn pin đeo trên đầu. Có những mỏm đá “sống lưng khủng long”, chúng tôi phải đu dây tụt xuống. Tất cả diễn ra trong im lặng, trong bóng tối bao trùm hút cả ánh đèn pin loang loáng của những người bạn đồng hành, tạo thành một trải nghiệm đặc biệt, không dễ gì quên.
Tôi rủ cả đoàn thử “thiền” trong hang và mọi người đều hưởng ứng. Chúng tôi đã có 5 phút ngồi tại chỗ, tắt đèn, tĩnh lặng tuyệt đối, không suy nghĩ hay hoạt động, giữa một không gian mênh mông chứa đầy những điều lạ lùng, bí ẩn.
Cảm xúc của hành trình tiếp tục thăng hoa khi chúng tôi tiến vào hang Pygmy - hang động lớn thứ 4 thế giới (sau hang Sơn Đoòng, hang Én cũng trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, và hang Deer ở Malaysia). Choáng ngợp, không nói nên lời, sau vài phút thỏa thuê ngắm nhìn, ai nấy đều lấy điện thoại di động ra để chụp hình, nhưng tất nhiên không thiết bị nào có thể ghi lại được trọn vẹn vẻ đẹp của cửa hang Pygmy như là chính đôi mắt mình.
Một người bạn trong đoàn có cách ví von rất thú vị: tựa như nàng Persephone trong thần thoại Hy Lạp khi từ địa phủ được trở về dương gian, thay cho bóng tối và sự ẩm ướt là ánh nắng và hơi ấm từ mặt trời. Thay cho sự hoang vu, màu đen xám là không gian xanh ngắt của những cánh rừng và thảm thực vật lan đầy mặt đất.
Sự tĩnh lặng bí hiểm của hang sâu nhường chỗ cho tiếng lao xao của sự sống: từng đàn chim én bay ra bay vào cửa hang, vừa chao liệng đôi cánh, vừa ríu rít hòa ca… như một sự tưởng thưởng cho những ai đủ can đảm, kiên trì để vượt qua chặng đường dài mệt nhọc để tới tận đây.
Cảm ơn những “sứ giả” của rừng
“There is no Wifi in the jungle, but I promise you’ll find a better connection.” (Không có Wifi trong rừng già, nhưng tôi hứa bạn sẽ tìm thấy một sự kết nối còn tốt hơn) – câu nói ấn tượng của một nhà thám hiểm mà tôi ngưỡng mộ càng đúng với chuyến đi này.
Đoàn chúng tôi có 20 thành viên đến từ nhiều vùng miền của đất nước, có cả những người ngoại quốc. Không quen biết trước, không chung ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, nhưng dưới những tán rừng xanh tươi và những vì sao đêm lấp lánh, chúng tôi đã trở thành bè bạn, đồng cam cộng khổ.
Cảm giác cộng sinh để tồn tại trong thiên nhiên hoang sơ giúp chúng tôi xích lại gần với nhau. Nhưng còn có một “sóng wifi” đặc biệt kết nối chúng tôi, đó chính là đội ngũ hỗ trợ, bao gồm hướng dẫn viên (guide), các trợ lý an toàn, porter (người mang vác hành lý) kiêm đầu bếp của Jungle Boss.
Họ đều là những người dân bản địa vô cùng thân thiện, chu đáo, thông thạo đường đi và sở hữu những kỹ năng cần thiết khi đi rừng như: dự báo thời tiết, xử lý vết thương, tránh hoặc đối phó với động vật nguy hiểm… Chú Lợi, anh Duy, anh Trung, anh Hải, anh Sử, em Bửu… cùng các anh em porter khác đã giúp chúng tôi có những bữa ăn tuyệt ngon giữa đại ngàn, vượt qua dốc Gió, dốc Lươn, dốc Cỏ, bơi qua sông ngầm và có cả những tấm ảnh “check-in” để đời.
Trong rừng hoang, họ còn là những chuyên gia tâm lý liên tục động viên, trấn an tinh thần cho những tay đi rừng “nghiệp dư” là chúng tôi mỗi lúc lo sợ, chán nản như khi chưa kịp ráo mồ hôi đã phải ngâm mình dưới nước lạnh cóng, hoặc thả mình xuống vách đá thẳng đứng chỉ với một sợi dây bảo hộ mỏng mảnh (dù cực kỳ chắc chắn và an toàn)... Tôi nhớ mãi khi bạn đồng hành người Nga trong đoàn bị vắt cắn ở chân khiến máu chảy không ngừng, trong lúc đám thanh niên thành thị chúng tôi khá hoảng hốt, các porter đã nhanh chóng chia nhau ra chung quanh tìm loại cây rừng mà họ gọi là rau “tàu bay” để cầm máu. Thật kỳ lạ, loại rau ấy có hiệu quả ngay tức thì, khiến cả đám du khách Việt và ngoại quốc lại càng thêm trầm trồ…
Họ cũng chính là những “cuốn sách sống” về khu rừng có tới hơn 200 loài thực vật sinh sống, hàng chục loài động vật quý hiếm cần bảo tồn nghiêm ngặt này. Đi qua những gốc cây vĩ đại hàng chục người ôm, những kỳ hoa dị thảo với công dụng chữa bệnh hoặc độc tính chết người, họ giải thích và kể chuyện cho chúng tôi với tâm hồn say mê và tự hào.
Tại những điểm dừng chân ăn trưa hay ngủ đêm, đội porter dựng lều trại, bếp núc với tốc độ cực nhanh và luôn thu dọn sạch sẽ khi rời đi, không để lại nơi rừng xanh dù chỉ một cọng rau, mảnh rác.
Vậy mà chính vùng lõi của Di sản Thiên nhiên Thế giới này, chỉ hơn chục năm trước thôi, đã từng mang cái danh chẳng mấy hay ho: “thủ phủ của lâm tặc”. Khi đó, hầu hết thanh niên trai tráng địa phương đều đi rừng để chặt cây, lấy gỗ, săn thú, bẫy chim; tung hoành suốt một vùng rộng lớn, sang cả phía bên kia biên giới… Cho đến khi các tour du lịch sinh thái, mạo hiểm được khai thác, nghề guide và porter xuất hiện, đó là lúc sức khoẻ và những kỹ năng của lực lượng này được sử dụng, phát huy theo hướng ngược lại của những ngày xưa. Thay vì vào rừng để lấy đi những sản vật quý của tự nhiên, họ đã và đang góp phần tích cực bảo vệ rừng và quảng bá di sản đặc sắc, có một không hai của Việt Nam tới khách du lịch bốn phương.
Tour hang Hổ và hố sụt Kong không gặp may khi khai thác trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 “đóng băng” ngành du lịch Việt Nam và cả thế giới. Lượng khách được trải nghiệm hành trình này vẫn còn là số ít. May mắn được là một trong số ấy, tôi càng thấy trân quý cuộc sống mà mình đang có và chắc chắn sẽ còn nhiều lần quay trở lại, để khám phá Sơn Đoòng, hang Va, hang Én, hay cắm trại ở thung lũng Ma Đa… Đến giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy rõ “hố sụt quái vật” Kong hay cửa hang Pygmy đẹp mê hồn trong ánh sáng lộng lẫy của buổi hoàng hôn, những dòng sông xanh biêng biếc hay những dãy núi sừng sững ngang tầm mây trắng ở nơi ấy…
Tổ chức xuất bản: HỒNG MINH
Bài và ảnh: HOÀNG MỸ HẠNH
Biên tập: THU TRANG
Đồ hoạ : TUẤN HẢI