Thứ bảy, 23/11/2024 03:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/05/2021 08:39 (GMT+7)

Cuộc bầu cử đặc biệt

Theo dõi KTMT trên

'Lần đầu tiên, chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.

Hai ngày nữa, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ bỏ những lá phiếu để lựa chọn ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực sự ưu tú, xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình.

Trước ngày bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ dành thời gian trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình mới

- Khácvới những kỳ bầu cử trước, lần này, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại mạnh mẽ. Chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để ứng phó với tình hình này, thưa ông?

Cuộc bầu cử lần này rất đặc biệt! Lần đầu tiên, chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước, khiến nhiều nơi phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội.

Cuộc bầu cử đặc biệt - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn)

Ứng phó với tình hình mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn, công điện chỉ đạo các địa phương xây dựng các kịch bản, kế hoạch phòng chống lây lan Covid-19 và các tình huống thiên tai, bão lũ nảy sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử, đặc biệt trong Ngày bầu cử 23/5.

Mặt khác, các lực lượng chức năng đang nỗ lực ngày đêm truy vết, khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm vaccine để duy trì các hoạt động dân sự bình thường - là nền tảng quan trọng để tiến hành bầu cử thuận lợi.

Mới đây, ngày 18/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử nhằm tổng rà soát, lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất, nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao, để chuẩn bị chu đáo nhất cho ngày bầu cử. Thực tiễn cho thấy nhiều nơi bầu cử sớm ở Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành với 100% cử tri đi bầu, bảo đảm an toàn phòng dịch, an ninh trật tự.

Ngoài ra, các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng đã chủ động diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là ở nơi cách ly tập trung, giãn cách, phong tỏa cục bộ ở một số địa bàn dân cư, quận, huyện để bảo đảm an toàn và cũng để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân về bầu cử.

Bắc Giang, Bắc Ninh đang là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 đã có kế hoạch bầu cử an toàn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

- Ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho bầu cử trong suốt một năm qua?

Từ giữa năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trên cơ sở đó, Quốc hội thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động. Cả hệ thống chính trị đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho công tác chuẩn bị bầu cử.

Trong đó, công tác nhân sự được chuẩn bị đúng quy trình, chặt chẽ theo từng bước, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương công việc và trọng trách được giao.

Cuộc bầu cử đặc biệt - Ảnh 2
Các địa phương đã sẵn sàng phương án bầu cử an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát một cách mạnh mẽ. (Ảnh: Việt Linh)

Công tác tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử trực tuyến được thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, đúng quy định pháp luật cho thấy không chỉ là sáng kiến áp dụng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 mà có thể áp dụng cả trong điều kiện bình thường, giúp số lượng cử tri được tiếp xúc nhiều hơn.

Các đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia khi đi kiểm tra, giám sát đều yêu cầu các địa phương có phương án tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, tránh ùn tắc tại điểm bỏ phiếu.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, không để các điểm bỏ phiếu trở thành nơi lây lan dịch trong cộng đồng và không vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử.

Cùng với đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia yêu cầu có phương án bảo đảm cử tri đang cách ly tập trung, cách ly tại nhà và cử tri không có điều kiện đến điểm bỏ phiếu (cử tri khuyết tật nặng, cử tri đang điều trị bệnh…), cử tri đang bị tạm giam hoặc tạm giữ chưa mất quyền bầu cử được thực hiện quyền công dân; Các địa phương sẵn sàng kịch bản tổ chức bầu cử trong tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Mong cử tri nhận thức rõ vị trí, vai trò làm chủ đất nước

- Với quy định mới về tỉlệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và với cơ cấu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo danh sách chính thức đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, ông kỳ vọng gì vào Quốc hội khóa mới?

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được nâng lên tối thiểu 40%. Trong quá trình giới thiệu người ứng cử, hiệp thương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị rất ưu tiên giới thiệu người ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và ở địa phương.

Tổng số đại biểu Quốc hội được giới thiệu để dự kiến làm đại biểu chuyên trách ở Trung ương có 129 người, địa phương có 67 người trong tổng số 866 ứng cử viên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Hầu hết ứng viên đều là những người có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị đã được rèn giũa qua thử thách, thực tiễn công tác.

Cuộc bầu cử đặc biệt - Ảnh 3
Cử tri bỏ phiếu sớm tại khu vực bỏ phiếu số 14, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: Khoa Quý)

Trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là trung tâm, nhưng đại biểu chuyên trách sẽ chiếm vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tôi hy vọng các ứng viên đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua đã thể hiện tốt chương trình hành động của mình, tạo được niềm tin với cử tri nơi ứng cử để có kết quả bầu cử tốt nhất, đảm bảo được tỉ lệ tối đa theo quy định của pháp luật.

Đây sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần đổi mới hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là tính chuyên nghiệp của Quốc hội trong thời gian tới.

- Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông muốn gửi gắm gì tới đồng bào, cử tri cả nước?

23/5/2021 là một ngày rất trọng đại của đất nước, ngày mà 69.198.594 cử tri cả nước sẽ tới 84.767 khu vực bầu cử thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội - Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta và tại HĐND các cấp - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Sự lựa chọn của cử tri hoàn toàn quyết định người ứng cử nào trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội.

Tôi mong muốn cử tri cả nước hãy nhận thức rõ vai trò, vị trí làm chủ đất nước của mình, tích cực đi bầu để lựa chọn các đại biểu mà mình tin tưởng nhất, xứng đáng nhất, nói lên tiếng nói xây dựng cho đất nước, cho ngành, cho giới của mình; Đồng thời, không quên tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để cuộc bầu cử của nước ta diễn ra thành công trọn vẹn.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Cuộc bầu cử đặc biệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới