Cụm công nghiệp Hồng Lam 16 năm "bất động" bỗng nhiên xin chuyển thành nhà ở
Sau 16 năm được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp phép đầu tư xây dựng, Cụm công nghiệp Hồng Lam vẫn đang hoang tàn, hạ tầng không xong, không một công ty nào tới hoạt động và đang nuôi gà.
Dự án "ôm đất" làm thui chột môi trường đầu tư
Trao đổi với báo chí, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc ôm đất bỏ hoang đã vi phạm những nguyên tắc cũng như chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng, đầu tư vào đất đai. Thậm chí, việc bỏ hoang, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích còn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai 2013.
"Mặc dù mức xử phạt đối với hành vi này còn thấp so với hậu quả mà hành vi ôm đất bỏ hoang mang lại khi mà nguồn lực, năng lực quản lý đất đai còn hạn chế, hệ thống thông tin về quản lý, khai thác dữ liệu đất đai ở nước ta còn chưa hoàn thiện, nhưng để phát hiện, chứng minh, xử lý được hành vi vi phạm đối với những trường hợp này là rất khó. Do đó, cần nhiều nguồn lực của cơ quan chức năng ban ngành có thẩm quyền cùng tham gia, giải quyết. Thêm vào đó, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng chưa được cụ thể", luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, một trong những lý do khiến nhiều dự án bị “treo” là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ đất chờ giá đất tăng thêm để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác nhằm thu cho mình giá trị đất đai tăng thêm này (địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra).
“Trong khi đó, quy định pháp luật về xử lý các dự án “treo” hiện nay vẫn chưa khả thi, vậy nên tình trạng “treo” chưa thể giảm, thậm chí có dự án “treo” tới hơn 10 năm mà vẫn không “hạ xuống” được”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Phạm Thạch - Huy Khang