Cử tri đề nghị Chính phủ triển khai ngay các công trình trữ nước ngọt
Cử tri vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đề nghị Chính phủ ưu tiên triển khai thực hiện ngay các công trình trữ ngọt phục vụ nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân theo đúng mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội sáng nay (15/6), đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho biết, thời gian gia, việc thực hiện Nghị quyết số 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã được triển khai rất tốt. Tuy nhiên, bà con cử tri đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn quan tâm đến việc trữ ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây là một yêu cầu cấp bách trong tình hình hạn hán hiện nay.
Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất sẽ còn xảy ra ở ĐBSCL. |
Theo đại biểu Lưu Thành Công, các công trình trữ nước ngọt ở ĐBSCL hiện rất hiếm. Việc tích trữ nước ngọt từ trước đến nay quanh năm dư thừa, cho nên không có khái niệm trữ nước ngọt. Hiện nay, hàng loạt vườn cây ăn trái đã chết vì khô hạn, nhiễm mặn, người dân phải đi hàng km để chở vài chục lít nước ít ỏi từ nguồn cứu trợ của các tổ chức từ thiện, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu. Còn các nhu cầu khác thì phải sống chung với nước mặn.
“Cử tri đề nghị Chính phủ ưu tiên triển khai thực hiện ngay các công trình trữ ngọt phục vụ nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân theo đúng mục tiêu phát triển bền vững”, đại biểu Lưu Thành Công nói.
Đại biểu Công cũng cho biết, cử tri rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ cho bà con bị thiên tai ở ĐBSCL. Mặc dù vậy, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng xem xét xóa nợ, giãn nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để sớm khôi phục lại các vườn cây ăn trái trong thời gian tới.
Bởi lẽ, hiện nay hai loại cây chủ lực ở khu vực ĐBSCL là cây sầu riêng và chôm chôm, hai loại cây này rất mẫn cảm với nước mặn, chỉ cần độ mặn 1/1.000 là có thể bị chết. Muốn khôi phục lại vườn sầu riêng thì phải mất thời gian từ 6 đến 8 năm và chôm chôm thì phải mất từ 4 đến 5 năm.
Đồng tình với quan điểm cần triển khai ngay các giải pháp trữ ngọt cho bà con vùng ĐBSCL, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho hay, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguy cơ thiếu nước trong sinh hoạt sẽ còn xảy ra trong thời gian tới, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của gần 20 triệu dân trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Chính phủ nghiên cứu tổ chức quy hoạch vùng hồ trữ nước để khi hạn hán xâm nhập mặn xảy ra có lượng nước ngọt cần thiết để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Tuyết Chinh - Khương Trung