Công nghệ số mang doanh nghiệp Việt vươn tầm Thế giới
Ngành công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước.
Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số đã có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, vượt thời hạn 3 năm so với mục tiêu của năm 2025.
Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số, đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT...
Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.
Cơ hội để vươn tầm thế giới
Phát biểu tại Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" với chủ đề "Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu – Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số" diễn ra vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội trăm năm là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi.
Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới không chỉ để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài. Đi ra thế giới để cạnh tranh với các đối thủ xuất sắc nhất, mà có thể trở nên xuất sắc nhất. Và vì thế mà chúng ta đứng vững được ngay trên sân nhà, bảo vệ được vị thế trong nước, trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đã đến lúc, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới của lịch sử phát triển, khai phá, mở ra không gian mới, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, chuyển từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế là chính.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2023, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi. "Cùng nhau để đi xa, cùng nhau để tự tin hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn! Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, và các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại và đầu tư của Việt Nam ở các nước, sẽ là chỗ dựa của doanh nghiệp, đồng hành và sát cánh cùng doanh nghiệp, ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bài học kinh nghiệm
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Nhưng Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Do đó, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại, do đó việc dịch chuyển ra nước ngoài là rất cần thiết.
Trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam là 2,2 tỷ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện. Con số này là rất nhỏ khi tổng doanh thu của dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm trên thế giới đang là 1.803 tỷ USD. Từ đó có thể thấy, với lượng nhân lực như hiện nay và sẽ tăng mạnh trong những năm tới, cơ hội của doanh nghiệp Việt ở quốc tế là không giới hạn và có khoảng không rất lới để phát triển.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 6 trong các quốc gia về nhân lực BPO/ITO, Top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.
Từ các bài học của các thương hiệu công nghệ thông tin Việt đã thành công như Viettel, FPT hay CMC, có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài. Có thể kể đến như: Đạt được thành công trong nước và sau đó tiến ra nước ngoài; Phát triển ngay tại thị trường nước ngoài dựa trên các kỹ sư người Việt đang sống và làm việc tại nước bản địa; Đầu tư thẳng vào các công nghệ mới như Blockchain, IoT ...". Để mang lại hiệu quả tổng thể khi tiến ra toàn cầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần "đi cùng nhau". Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế", ông Nghĩa lưu ý.
Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), ông Ravi Vajpayee đã đưa ra các khuyến nghị về nhu cầu và tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin hiện nay. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao chính là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế.
Thiện Tâm