Công nghệ khai sinh tiền điện tử tạo lợi ích chống khủng hoảng khí hậu
Tác động tiêu cực đến môi trường của các loại tiền điện tử như Bitcoin đã được báo chí đăng tải rộng rãi trong những tháng gần đây và sự biến động của chúng cũng được cho là một vấn đề đáng lo ngại.
“Cách sử dụng năng lượng vô nghĩa"?
Lượng năng lượng cần thiết để cung cấp năng lượng cho mạng Bitcoin là đáng kinh ngạc. Nhà khoa học người Anh Tim Berners-Lee được cho là đã phát minh ra World Wide Web mô tả “khai thác Bitcoin” là “một trong những cách sử dụng năng lượng vô nghĩa nhất”.
Bitcoin không tồn tại dưới dạng các vật thể vật lý, nhưng các đồng tiền mới được “khai thác” hoặc được đưa vào lưu thông thông qua một quy trình liên quan đến việc sử dụng máy tính mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề toán học phức tạp. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, đến mức mạng Bitcoin được ước tính tiêu thụ nhiều năng lượng hơn một số quốc gia, bao gồm cả Kazakhstan và Hà Lan. Hơn nữa, do các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm một phần chính trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu, nên việc khai thác Bitcoin có thể được cho là nguyên nhân một phần trong việc sản xuất khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Một vấn đề khác là lượng năng lượng cần thiết cho mỗi giao dịch, rất lớn so với thẻ tín dụng truyền thống. Chẳng hạn, mỗi giao dịch Mastercard được ước tính chỉ sử dụng 0,0006 kWh (kilowatt giờ), trong khi mỗi giao dịch Bitcoin tiêu thụ 980 kWh, đủ để cấp điện cho một ngôi nhà ở Canada trung bình trong hơn ba tuần.
Động lực quan trọng của phát triển bền vững?
Mặc dù còn nhiều vấn đề như trên, nhưng các chuyên gia của LHQ cho rằng tiền điện tử và công nghệ cung cấp năng lượng cho chúng (blockchain) có thể đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bền vững và thực sự cải thiện khả năng quản lý môi trường của chúng ta.
Theo LHQ, một trong những khía cạnh hữu ích nhất của tiền điện tử là tính minh bạch. Vì công nghệ này có khả năng chống giả mạo và gian lận nên nó có thể cung cấp hồ sơ giao dịch minh bạch và đáng tin cậy. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực có thể chế yếu kém và mức độ tham nhũng cao.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cơ quan của LHQ đã phát hiện ra rằng blockchain có thể giúp đảm bảo tiền mặt đến được tay những người cần nó nhất.
Một chương trình thử nghiệm ở Pakistan cho thấy rằng WFP có thể nhận tiền mặt trực tiếp cho người thụ hưởng một cách an toàn và nhanh chóng mà không cần thông qua ngân hàng địa phương. Dự án này, có tên Building Blocks, cũng đã được thử nghiệm thành công tại các trại tị nạn ở Jordan, đảm bảo rằng WFP có thể tạo ra một hồ sơ trực tuyến đáng tin cậy về mọi giao dịch đơn lẻ.
Nếu điều này có thể hiệu quả với những người tị nạn thì nó cũng có thể hiệu quả với những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương khác. Các tác giả của một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng công nghệ này có thể cải thiện sinh kế của những người nhặt rác, những người kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức.
Báo cáo cho biết một hệ thống giám sát minh bạch có thể theo dõi chính xác vị trí và cách thức sử dụng chất thải thu hồi, cũng như xác định ai đã nhặt chúng, đảm bảo rằng có thể khen thưởng “đúng người, đúng việc”.
Ngăn chặn suy thoái môi trường
Tiềm năng của blockchain trong việc bảo vệ môi trường đã được thử nghiệm trong một số dự án khác của LHQ và các tổ chức khác. Trong đó có dự án liên quan đến một công cụ để xóa bỏ việc đánh bắt cá ngừ bất hợp pháp, được phát triển bởi Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) và một nền tảng (CarbonX) biến việc giảm phát thải khí nhà kính thành một loại tiền điện tử có thể mua và bán, cung cấp cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng động cơ tài chính để đưa ra các lựa chọn bền vững hơn.
Đối với Đối tác DTU của UNEP (sự hợp tác giữa UNEP, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch và Bộ Ngoại giao Đan Mạch), có ba lĩnh vực chính mà blockchain có thể thúc đẩy hành động vì khí hậu, gồm: minh bạch, tài chính khí hậu và thị trường năng lượng sạch.
Đối tác cho biết, dữ liệu về phát thải khí nhà kính độc hại ở nhiều quốc gia là không đầy đủ và không đáng tin cậy. Các giải pháp blockchain có thể cung cấp một cách minh bạch, đáng tin cậy để cho thấy các quốc gia đang hành động như thế nào nhằm giảm tác động của họ đến khí hậu.
Tài trợ khí hậu - các khoản đầu tư góp phần làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu - có thể được thúc đẩy, nếu thị trường carbon được mở rộng, cho phép các doanh nghiệp và ngành chuyển đổi sang công nghệ carbon thấp. Trong đó, blockchain có thể là một phần quan trọng trong việc đẩy nhanh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Vì những nguồn này, về bản chất, không liên tục và phi tập trung, nên cần có những hình thức thị trường năng lượng mới. Các công cụ sử dụng công nghệ blockchain có thể giúp tạo ra những thị trường này và chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch.
Tìm kiếm các giải pháp năng lượng thấp
Bất chấp tất cả những lợi ích tiềm năng này, mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ liên quan đến công nghệ là một trong những rào cản chính cần phải vượt qua và nhiều công ty trong ngành đang tìm cách giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, Ethereum Foundation, tổ chức đứng sau tiền điện tử Ethereum, đang nghiên cứu một cách mới để xác minh các giao dịch. Bằng cách chuyển sang một phương pháp khác (được gọi là Proof of Stake, hoặc PoS), tổ chức này cho rằng chi phí năng lượng của mỗi giao dịch có thể được cắt giảm 99,95%. Đồng thời, nhiều người trong ngành muốn đảm bảo rằng bất kỳ năng lượng tiêu thụ nào của ngành hoàn toàn không có carbon.
Vào tháng 4/2021, ba tổ chức quan trọng gồm Quỹ Web Năng lượng, Viện Rocky Mountain và Liên minh các Quy định Đổi mới đã thành lập Hiệp ước khí hậu tiền điện tử, được hỗ trợ bởi các tổ chức bao gồm các lĩnh vực khí hậu, tài chính, các tổ chức phi chính phủ và năng lượng. Mục tiêu của Hiệp ước là “khử carbon trong ngành trong thời gian kỷ lục” và đạt được mức phát thải ròng bằng không trong ngành tiền điện tử toàn cầu vào năm 2030.
Mai Đan