Thứ tư, 24/04/2024 15:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/02/2020 14:17 (GMT+7)

‘Cơn thịnh nộ’ của biển

Theo dõi KTMT trên

Các nhà nghiên cứu mới đây cảnh báo, một số sân bay đông đúc nhất thế giới, trong đó có các sân bay ở New York (Mỹ), có thể ngập hoàn toàn vào cuối thế kỷ này, nếu biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao. Với mỗi mét nước biển dâng, khoảng 80 sân bay trên thế giới sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100.

‘Cơn thịnh nộ’ của biển - Ảnh 1
Băng biển tan ở Alaska (Mỹ). Ảnh NEW ATLAS

Trong một phân tích của Viện Các nguồn lực thế giới (WRI) có trụ sở ở Washington (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, các sân bay dễ bị tổn thương nằm trong số những sân bay đông đúc nhất thế giới, trong đó có ba sân bay quốc tế tại thành phố New York (Mỹ), sân bay quốc tế Nam Dương Diêm Thành ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) và sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, nước biển có thể dâng cao khoảng 60cm đến 100cm nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng mạnh. Ngay cả khi đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu ước tính, gần 45 trong số các sân bay ở dưới mực nước biển hiện nay có thể ngập trong nước nếu nước biển dâng cao nửa mét.

Tình trạng nói trên xuất phát từ thực tế, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15 đến 20cm kể từ năm 1900. Mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn. Hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực đang tan, trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh. Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp ba lần so thế kỷ trước. Các nhà khoa học cho rằng, mực nước tại các đại dương sẽ dâng cao bao nhiêu vào năm 2100 chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ trái đất gia tăng thế nào. Dự báo, nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 20 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu đặt ra của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5m. Trong trường hợp nhiệt độ trái đất tăng 3 đến 40 độ C do nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1m. Nếu điều này xảy ra, hàng chục đại đô thị ven biển sẽ biến mất, thậm chí nhiều quốc đảo bị nhấn chìm, dẫn tới việc trái đất mất đi một phần đất có độ lớn tương đương nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh cộng lại. Nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2m, không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa khỏi bản đồ thế giới.

Nhiều quốc gia hiện phải “vắt chân lên cổ” tìm biện pháp đối phó tình trạng nước biển dâng cao. Các nước ven biển tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống đê biển. Giới chức thành phố biển Miami, bang Florida của Mỹ vừa triển khai kế hoạch đổ thêm hàng trăm nghìn tấn cát cho vùng bờ biển nghỉ dưỡng nổi tiếng của thành phố này, trong bối cảnh các bờ biển dần bị xói mòn vì nước biển dâng. Các nhà quản lý sân bay ở khu vực ven biển bắt đầu đầu tư vào các biện pháp như xây dựng đường băng cao hơn, xây tường ngăn biển và hệ thống thoát nước tốt hơn. Sân bay Changi ở Singapore đã tôn nền các đường băng để cải thiện hệ thống thoát nước và xây một ga đến mới cao hơn 5,5m so mực nước biển. Gần đây, sân bay Boston Logan và sân bay quốc tế San Francisco ở Mỹ đã lắp đặt các hệ thống ba-ri-e chống lụt. Trong khi đó, nhiều sân bay ở các quốc đảo nhỏ tại Thái Bình Dương thiếu nguồn lực tài chính đang đứng trước nguy cơ cao bị nước biển xâm thực.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng, vào cuối thế kỷ này, hàng chục triệu người có thể phải di dời khỏi các vùng ven biển do tình trạng nước biển dâng cao. Liên hợp quốc kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn nguy cơ các đại dương “nổi cơn thịnh nộ” đe dọa cuộc sống con người.

Thu Thảo

Bạn đang đọc bài viết ‘Cơn thịnh nộ’ của biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới