Còn nhiều vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản bô xít tại Bình Phước, Đắk Nông
Hiện có 5 vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.
5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn
Vấn đề này được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản ngày 12/8.
Theo ông Huy, tại kỳ họp thứ 7, một số Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐBQH đã đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thực tiễn quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng làm việc với các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông về các vấn đề liên quan đến khoáng sản bô xít.
Theo ông Lê Quang Huy, hiện nay, đang có 5 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, bao gồm:
Thứ nhất, vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít.
Thứ hai, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Thứ ba, việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng.
Thứ tư, vấn đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít.
Thứ năm, thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít.
Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản?
Qua phối hợp với Bộ TN-MT, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy sau khi rà soát, chỉnh lý, dự thảo Luật đã có một số quy định để giải quyết các vướng mắc nêu trên.
Đối với vướng mắc về chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch bô xít, dự thảo Luật đã đề cập tại Điều 16.
Đối với vướng mắc về cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch bô xít, theo ông Lê Quang Huy, hiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản không xử lý được vấn đề này vì chưa có quy định khả thi, phù hợp thực tiễn; do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng báo cáo UBTVQH một số nội dung xây dựng 2 phương án để tiếp tục xin ý kiến. Trong đó, đối với trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Thường trực Ủy ban phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 2 phương án: Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản; Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án 2. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban sẽ phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Vào năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bô xít Tây Nguyên. Những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn.
Anh Thư