Con đường trung hòa khí hậu ở hàng không và vận tải biển
Hàng không và vận tải biển có khả năng tăng trưởng rất mạnh trong những thập kỉ tới dẫn đến tỉ lệ phát thải CO2 toàn cầu có nguy cơ tăng nhanh. Các quốc gia cần vận chuyển hàng hóa của mình đi khắp thế giới theo cách trung hòa với khí hậu.
Tàu thủy và máy bay thải ra bao nhiêu CO2?
Hàng không và vận tải biển chiếm từ 2-3% lượng khí thải toàn cầu, nhiều hơn một chút so với lượng phát thải của nước Đức. Tàu thủy vận chuyển 90% lượng hàng hóa thương mại thế giới. Đối với máy bay, nhiều nghiên cứu cho rằng thiệt hại đối với khí hậu do ngành hàng không gây ra lớn hơn, một trong các nguyên nhân đó là máy bay phát ra khí thải ở độ cao lớn.
Vấn đề là cả 2 lĩnh vực này đều có khả năng tăng trưởng rất mạnh trong những thập kỉ tới. Đó là lý do tại sao tỉ lệ phát thải CO2 toàn cầu có nguy cơ tăng nhanh. Điều này khiến các mục tiêu khí hậu gặp phải rủi ro lớn.
Hàng không và vận tải biển có thể bảo vệ khí hậu không?
Felix Creutzig từ Viện Nghiên cứu Mercator về Biến đổi Khí hậu và Giao thông Toàn cầu (MCC) nói: “Nếu không có sự thay đổi, lượng phát thải CO2 của cả hai lĩnh vực sẽ tăng ồ ạt trong vài thập kỉ tới. Sự thịnh vượng ngày càng tăng dẫn đến nhiều chuyến bay hơn và tiêu thụ nhiều hàng hóa nhiều hơn nên việc vận chuyển cũng tăng trên khắp thế giới. Vì vậy, cần có những biện pháp cho cả 2 ngành này.
Dưới áp lực từ phía khách hàng và các nhà bảo vệ khí hậu, các công ty vận tải biển và hãng hàng không yêu cầu Chính phủ các nước đặt mục tiêu giảm lượng khí thải đối với các lĩnh vực này xuống bằng 0 vào năm 2050. Hai hiệp hội thế giới ICS và IATA đã công bố điều này trước hội nghị khí hậu ở Glasgow.
Đây chưa phải là quyết định chính thức, nhưng đó sẽ là một bước nhảy vọt. Cho đến nay, cả 2 lĩnh vực này đều có quá ít sự kiện để thu hẹp khoảng cách khí hậu. Lĩnh vực vận tải biển cũng thải ra một tỉ lệ đáng kể lượng khí thải nitơ oxit và lưu huỳnh đioxit trên toàn cầu.
Giao thông hàng không: 15 quốc gia thành lập "Liên minh Tham vọng Khí hậu Hàng không Quốc tế" (International Aviation Climate Ambition Coalition) và dự kiến ký kết mục tiêu không phát thải vào năm 2050, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của liên minh cho thấy số lượng hành khách đi máy bay dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vòng 30 năm tới.
Do đó, Liên minh muốn dựa vào nhiên liệu thân thiện với khí hậu và có hệ thống bồi hoàn. Nước Đức đã giao động và ban đầu không hiện diện khi thông báo được đưa ra, nhưng nay muốn tham gia "theo thời hạn thông thường". Đầu tháng 11, cộng đồng quốc tế sẽ họp tại Glasgow, Scotland, Hội nghị khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc, COP26. Cuộc họp kéo dài 2 tuần nhằm nâng cao mục tiêu của các quốc gia và xác định các quy tắc chung cho cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu.
Vận tải biển: 20 quốc gia, bao gồm cả Đức, muốn thiết lập “các tuyến đường trung hòa với khí hậu” giữa các cảng khác nhau trong vài năm tới, trên các tuyến hàng hải đó chỉ có các tàu không thải khí CO2 được hoạt động. Thỏa thuận này mang tên Glasgow River Clyde, ban đầu cung cấp 6 tuyến đường như vậy, sau đó "nhiều tuyến đường khác" sẽ được bổ sung vào năm 2030.
Toàn bộ chuỗi thương mại bán lẻ cũng sẽ được khử carbon. Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Hà Lan và các nước Bắc Âu sẽ cùng tham gia vào chiến dịch này. Hiện tại, 55 quốc gia đang bị đe dọa đặc biệt bởi sự nóng lên toàn cầu đang kêu gọi đánh thuế CO2 hàng hải.
Với ngành hàng hải, "việc thiết lập các hành lang vận chuyển trung hòa với khí hậu là bước đầu tiên cần thiết trong quá trình chuyển đổi", Ingrid Irigoyen từ Viện Aspen, đề cập đến các "chủ hàng" - những tập đoàn như Amazon, Ikea và Unilever. Các tập đoàn này đang quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ khí hậu trong giao thông vận tải biển. Từ 2040, họ muốn vận chuyển hàng hóa của mình đi khắp thế giới theo cách trung hòa với khí hậu.
Làm gì để tàu thủy và máy bay trở nên trung hòa với khí hậu?
Đối với các tuyến đường ngắn, có thể đưa hệ thống truyền động điện vào vận hành. Đã có những đơn đặt hàng đầu tiên với phà chạy bằng pin, ngay cả những chiếc máy bay cỡ nhỏ cũng có thể bay bằng động cơ điện. Ngoài ra, cả 2 lĩnh vực đều sẽ dựa vào nhiên liệu khí hậu mới. Ví dụ, nhiên liệu điện 0 được sản xuất bằng điện xanh có lợi thế bởi chúng có thể được sử dụng trong các tuabin máy bay phổ biến ngày nay. Hiện tại, Airbus cũng muốn phát triển máy bay phản lực hydro.
Đã có nhiều cuộc thảo luận trong ngành vận tải biển về việc dùng amoniac và metanol làm nhiên liệu sinh thái. Để bù đắp cho chi phí cao hơn, thuế CO2 đối với nhiên liệu hóa thạch đang được xem xét để cân nhắc liệu việc chuyển đổi có hiệu quả hay không. Cho đến nay, nhiên liệu máy bay được miễn thuế.
Chuyên gia Creutzig của MCC cho biết: “Về mặt kỹ thuật, có thể khử carbon ở cả 2 lĩnh vực vào năm 2050, nhưng một số quốc gia phải sẵn sàng đi đầu và có những hành động quyết liệt".
Nguyễn Linh (T/h)