Cốc giấy có thật sự thân thiện với môi trường?
Cốc giấy được quảng cáo là có thể tự phân hủy và dễ tái chế, nhiều người tiêu dùng cũng tin rằng đây là giải pháp thay thế phù hợp trong tình trạng ô nhiễm nhựa hiện nay.
Với sự phát triển mạnh của dịch vụ ăn uống trong thời gian gần đây, có lẽ chúng ta đã không còn xa lạ với chiếc cốc giấy, bởi lẽ nó xuất hiện ở mọi nơi, từ các cửa hàng ăn uống đến văn phòng, trường học... Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, với mục đích bỏ qua việc rửa ly chén nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thuê nhân công mà nhiều cửa hàng ăn uống đã chuyển sang sử dụng cốc giấy dùng một lần. Tưởng chừng cốc giấy là sản phẩm tối ưu nhất cho đồ sử dụng một lần bởi giá thành vừa rẻ, lại vừa thân thiện với môi trường. Nhưng sự thật có đúng như vậy?
Đáng buồn thay, quan niệm đó lại hoàn toàn sai lầm. Bởi để một chiếc cốc giấy có thể đựng chất lỏng như các loại đồ uống, cafe, thì nó phải chứa các thành phần nhựa khác như polyethylene hoặc polymer hữu cơ để kháng nước. Đặc biệt, ở Việt Nam gần như chỉ lưu hành loại cốc giấy phủ polyethylene này. Và nó dẫn đến thực tế, một chiếc cốc giấy rất khó để tái chế và sẽ mất cả trăm năm để phân huỷ được.
Và ước tính, người Mỹ uống hơn 100 tỉ ly cafe mỗi năm, và hơn 16 tỉ trong số chúng được đựng trong những chiếc ly giấy dùng một lần, dẫn đến hơn 6.5 triệu cây gỗ bị đốn mỗi năm. Xét trên nhiều góc độ khác như vật liệu thô, hóa chất độc hại, mức độ ô nhiễm hay phân hủy, cốc giấy tưởng chừng như vô hại lại nguy hiểm và tiêu tốn tài nguyên hơn cốc nhựa rất nhiều.
Vì vậy, để bảo vệ môi trường, điều chúng ta cần không chỉ là những phong trào nhất thời, những hành động chạy theo đám đông mù quáng mà chúng ta cần học hỏi, tìm hiểu xem bản thân đã làm đúng cách hay chưa. Đơn giản như việc dùng cốc giấy, nhiều người nhầm tưởng bảo vệ môi trường, đáng tiếc là, nó lại “giết” môi trường theo một cách khác.
Theo thống kê năm 2018 của tổ chức Earth Day Network, mỗi năm có đến 16 tỉ chiếc cốc giấy được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% số đó được tái chế. Số còn lại bị mắc kẹt trong những bãi rác, thậm chí bị chôn vùi vào đất hoặc lưu lạc trong các nguồn nước, góp phần vào nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Ở Việt Nam, chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào về số lượng cốc giấy được tái chế, cũng như số lượng các cơ sở đạt chuẩn nhận tái chế cốc giấy.
Minh Phương