Cơ quan thuế có 'bỏ lọt' thu nhập nghìn tỉ từ bán đất?
Một phần tiền bán nhà, đất đã được trả cho chủ đầu tư dự án bất động sản không có hoá đơn, chứng từ. Hay tiền chênh hàng tỉ đồng được “lách” dưới dạng khoản “phí dịch vụ” qua các sàn môi giới thân thiết diễn ra khá phổ biến.
Thực tế, người mua nhà đất tại nhiều dự án thương mại, nhà ở xã hội lâu nay đã quen với tình trạng trả tiền mua bất động sản với giá cao hơn giá trị ghi trên hợp đồng. Số tiền chênh này được “lách” dưới các hình thức hợp đồng góp vốn, phí dịch vụ, tư vấn… hay thậm chí là nộp tiền không có chứng từ phiếu thu, hoá đơn.
Dự án New City (Phố Nối - Hưng Yên). |
Đơn cử như tình trạng bán đất “hai giá” tại dự án khu đô thị New City (Phố Nối, Hưng Yên) do CTCP Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư. Theo đó tiền mua đất được chia thành 2 phần: giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng sẽ thấp hơn giá khách phải thanh toán, phần tiền chênh khoảng 325 - 590 triệu đồng/lô được tách thành “phí dịch vụ”. Cách thức thu tiền bán đất này đã được chủ đầu tư thực hiện từ năm 2018 khi mở bán dự án, thu hút rất đông nhà đầu tư mua bán, sang tay kiếm lời. Với hàng trăm nền đất được giao dịch, số tiền chênh nằm ngoài sổ sách là con số không nhỏ và khiến Nhà nước thất thu số tiền thuế rất lớn.
Mới đây, nhiều khách hàng bất ngờ khi được nhân viên môi giới chào mời mua nhà tại dự án nhà ở xã hội tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, dù dự án vừa được khởi công xây dựng và đang trong giai đoạn bán hồ sơ cho khách đủ điều kiện mua nhà xã hội. Thậm chí, nhân viên môi giới đã chào mời khách mua nhiều suất ngoại giao căn đẹp, hướng đẹp song sẽ phải trả thêm tiền chênh từ 70 - 100 triệu đồng/căn. Theo đó, người mua sẽ kí với sàn môi giới một hợp đồng tư vấn pháp lý, đặt cọc 20 - 50 triệu đồng.
Số tiền chênh sẽ phải thanh toán hết khi người mua nhận được giấy xác nhận của chủ đầu tư về quyền mua căn hộ.
Để thuyết phục khách hàng, nhân viên môi giới cam kết sẽ giúp người mua hoàn thiện hồ sơ và chắc chắn hồ sơ sẽ được chủ đầu tư duyệt trúng mua, còn nếu tự làm hồ sơ sẽ bị “trượt”.
Hơn nữa, những khoản tiền chênh này được bên bán và bên mua thoả thuận “đi đêm” với nhau vì có lợi cho cả đôi bên. Chủ đầu tư sẽ giảm bớt doanh thu chịu thuế, người mua cũng giảm bớt thuế TNCN.
Theo Luật Thuế TNCN, trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản, người bán phải nộp thuế TNCN là 2% tính trên giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng có công chứng. Nếu giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ nộp thuế theo giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Liên quan tới tình trạng bán nhà đất “hai giá”, luật sư Nguyễn Văn Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi kê khai giá bán thấp hơn giá giao dịch thực tế là hành vi trốn thuế, gây ra nhiều nguy cơ và hệ luỵ phức tạp.
Các cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch mua bán bất động sản “hai giá” có thể phạm tội trốn thuế. Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự, việc khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng là hành vi trốn thuế. Cụ thể, không xuất hóa đơn khi bán hàng hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
Đối với doanh nghiệp có hành vi trốn thuế khi bán nhà đất sẽ bị phạt tiền, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm. Còn cá nhân trốn thuế bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 7 năm tuỳ theo số tiền trốn thuế.
Không chỉ đối mặt vi phạm hình sự, mà người mua nhà đất thực hiện giao dịch “hai giá” có thể gặp những rủi ro tranh chấp pháp lý, mất trắng số tiền trả chênh. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp dẫn đến chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, người mua nhà không có căn cứ chứng minh đã chi trả tiền “chênh” thì sẽ không được hoàn trả số tiền này.
Bên cạnh đó, người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội trốn thuế với vai trò đồng phạm cho bên bán nhà “hai giá”.
Hải Nam