Thứ năm, 25/04/2024 10:54 (GMT+7)
Thứ năm, 27/02/2020 07:00 (GMT+7)

Cổ đông tiết lộ thông tin bất ngờ về ‘siêu’ doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (Công ty USC Interco) - “siêu” doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng ở Hà Nội, một cổ đông của công ty này đã có những chia sẻ bất ngờ với báo chí.

Cổ đông tiết lộ thông tin bất ngờ về ‘siêu’ doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng - Ảnh 1
Bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập công ty USC Interco. (Ảnh: Zing)

Trả lời trên Báo Tuổi trẻ, bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập USC Interco cho biết: "Tôi nghĩ cứ nói mồm với nhau, lập công ty làm được thì làm không làm được thì thôi chứ mình có mất gì đâu. Chỉ biết ‘chúng nó’ rủ ba chị em mở công ty, mượn địa điểm nhà mình làm trụ sở chứ có biết gì đâu. Tôi là cổ đông góp vốn nhưng không phải đi đăng ký, nó chỉ cầm chứng minh thư của tôi đi và cầm hồ sơ về bảo mình ký thì ký vào".

Bà Phương được đăng ký là kế toán trưởng đồng thời là một trong ba cổ đông sáng lập công ty (đăng ký góp 43.200 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ). Bà Phương hiện sinh sống bằng nghề phân phối nước khoáng từ trường và cho biết "Tiền ăn, nuôi con còn chả đủ lấy đâu ra nghìn tỉ để góp".

Cũng theo bà Phương, Công ty USC Interco đăng ký số vốn điều lệ "khủng" để sau này huy động các cổ đông góp vốn. Căn nhà nơi gia đình bà Phương ở tại số 10, ngõ 234 thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) được đặt làm trụ sở đăng ký hoạt động vì được ông Trần Gia Phong (góp 30%, tương ứng 43.200 tỉ đồng) nhờ.

Tiết lộ về hai cổ đông còn lại của USC Interco với Zing, bà Phương cho biết, ông Nguyễn Hoàn Sơn (người góp 40%, tương ứng 57.600 tỉ đồng) chỉ là trên giấy tờ. Bản thân ông Sơn hiện đang làm đại lý phân phối nước khoáng cùng bà Phương. Còn ông Trần Gia Phong (người góp 30%, tương ứng 43.200 tỉ đồng) tuy có doanh nghiệp gỗ riêng, nhưng cũng không thể có số tiền góp vốn lớn như vậy.

Theo bà Phương, hai cổ đông còn lại của công ty cổ phần USC không có nhà cửa rộng rãi và không có nhiều tiền. Nhà ông Phong nằm trong một con ngõ bé, từ đê đi xuống ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, trong khi ông Sơn thuê trọ trên đường Bưởi, quận Cầu Giấy.

Cổ đông tiết lộ thông tin bất ngờ về ‘siêu’ doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng - Ảnh 2
Cơ cấu cổ đông USC Interco.

Như thông tin đã đưa, USC Interco là doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 17/1/2020 với số vốn điều lệ đăng ký lên đến 144.000 tỉ đồng. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập này vượt xa nhiều doanh nghiệp "tên tuổi" như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Cao su, BIDV, Vietinbank, Techcombank, Vingroup, VinHomes…, thậm chí vượt cả Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chỉ xếp sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Bất động sản với 3 cổ đông bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỉ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỉ đồng.

Chia sẻ với Vietnamnet về việc tại sao một doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh lớn không tưởng như vậy đăng ký mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lại không từ chối, một đại diện Cục cho hay, cơ quan đăng ký kinh doanh không từ chối trường hợp này.

"Không thể làm thế được bởi đây là quyền của doanh nghiệp, nhỡ người ta góp đúng thì sao. Như vậy hồ sơ hợp lệ thì phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho họ. Pháp luật cũng quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp là sau 90 ngày sẽ yêu cầu họ báo cáo tình hình góp vốn", vị đại diện này cho biết.

Khai khống vốn điều lệ bị xử lý thế nào?

Điều 48 Luật doanh nghiệp quy định, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nếu hết thời hạn trên, các cổ đông không góp đủ vốn, công ty phải điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký.

Theo Nghị định 50/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Cổ đông tiết lộ thông tin bất ngờ về ‘siêu’ doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.