Thứ bảy, 20/04/2024 01:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 09:05 (GMT+7)

Citi hợp tác thúc đẩy việc thực hiện các cam kết hành động vì khí hậu của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bản ghi nhớ hợp tác được Bộ trưởng Trần Hồng Hà và bà Julie Monaco, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Citi, trao cho nhau trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bà Julie Monaco, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Citi.

Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Citi hợp tác thúc đẩy việc thực hiện các cam kết hành động vì khí hậu của Việt Nam - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bà Julie Monaco, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Citi.

"Citi sẽ thúc đẩy trao đổi thường xuyên giữa khu vực tư nhân Hoa Kỳ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và các cơ quan liên quan về các chủ đề ESG, đặc biệt hỗ trợ cam kết hành động vì khí hậu của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)", ông Ramachandran A.S., Tổng Giám đốc Citi Việt Nam nhấn mạnh.

Đầu năm 2021, Citi đã công bố cam kết trị giá một nghìn tỷ USD trên toàn cầu về tài chính bền vững, bao gồm mục tiêu 500 tỷ USD cho tài chính môi trường, khí hậu và 500 tỷ USD cho tài chính xã hội, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Trong năm 2020 và 2021, Citi đã tài trợ và tạo điều kiện cho 222 tỷ USD hoạt động tài chính bền vững trên toàn cầu, giúp ngân hàng đi đúng định hướng để hoàn thành cam kết một nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ: "Chúng tôi muốn hợp tác với Citi trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn và danh mục các dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng kinh tế carbon thấp. Chúng tôi cũng mong muốn Citi tham gia hỗ trợ nguồn lực tài chính để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án năng lượng carbon thấp tại Việt Nam".

Đầu năm 2022, Citi đã công bố kế hoạch và nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến môi trường nhằm đạt được mục tiêu chung Không phát thải CO2 vào năm 2050.

Kế hoạch này đề ra các nguyên tắc chuyển đổi để hướng tới giảm thiểu tối đa phát thải ròng của Citi, hướng dẫn quá trình chuyển đổi diễn ra một cách có trật tự và trách nhiệm nhằm giảm thiểu những đứt gãy, gián đoạn kinh tế đồng thời góp phần mở rộng mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2021, Citi cũng đồng sáng lập Liên minh Ngân hàng hướng tới phát thải bằng không, với mục tiêu thiết lập một khuôn khổ phi carbon hoá trong ngành công nghiệp ngân hàng.

Citi gần đây đã trở thành một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực ESG tại Việt Nam. Ngân hàng đã tài trợ cho việc nhập khẩu các tua-bin điện gió và cũng đang làm việc với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hỗ trợ cho việc thu mua cà phê trồng theo phương pháp thân thiện môi trường, thân thiện khí hậu từ các đại lý và nông dân Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Biên bản ghi nhớ cũng sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm phát triển thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, vốn đầu tư hỗn hợp và đa dạng sinh học, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực.

"Tài chính đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Citi có thể đóng góp và hỗ trợ bằng cách giúp khách hàng của chúng tôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ năng lượng sạch. Citi mong muốn trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế carbon thấp, hợp tác với khách hàng để đạt được những mục tiêu bền vững của họ", ông Ramachandran chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Citi hợp tác thúc đẩy việc thực hiện các cam kết hành động vì khí hậu của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới