Thứ sáu, 29/03/2024 01:46 (GMT+7)
Thứ tư, 05/01/2022 16:00 (GMT+7)

Chuyên gia WB: Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng để trở thành ‘con hổ châu Á’

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam vẫn đang có những thế mạnh và tiềm năng vốn có từ trước đại dịch. "Với việc triển khai cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ lại một lần nữa vươn lên để đi trên con đường trở thành "con hổ châu Á”, chuyên gia Jacquet Morisset nhấn mạnh.

Lọt Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới.

Năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19, tổn thất với kinh tế toàn cầu và Việt Nam là không tránh khỏi. Theo Ngân hàng Thế giới, quá trình đảo ngược để quay lại tăng trưởng GDP 6 - 6,5% sẽ khả thi khi Việt Nam và thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện cán cân cung - cầu.

Theo đó, Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu và Việt Nam khó đứng ngoài vòng xoáy này. Việt Nam đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, với tỉ lệ phủ vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, "gió đã đổi chiều" và kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan.

Chuyên gia WB: Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng để trở thành ‘con hổ châu Á’ - Ảnh 1
Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới. (Ảnh: worldfinance.com)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công Thương cho thấy, xu hướng này rất rõ rệt khi xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục, các chỉ số tương ứng quan trọng của nền kinh tế vẫn rất tích cực. 

Tính đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 633,22 tỷ USD, tăng 22,9%, tương đương mức tăng 117,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Bộ Công Thương cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Ngoài ra, việc thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) hiệu quả cũng được coi là yếu tố quan trọng đóng góp cho lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2021. 

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết. Trong đó, nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là việc chuyển kế hoạch từ "Zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh.

“Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc tăng độ bao phủ tỉ lệ tiêm vaccine trong những tháng vừa qua, thậm chí có những giai đoạn Việt Nam đạt tốc độ tiêm vaccine lên tới hơn 1 triệu liều một ngày. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, dù vẫn còn những hạn chế trên thị trường lao động nhưng có thể thấy khả năng khôi phục ấn tượng của Việt Nam” - ông Jacquet Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định.

Triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2022

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. 

Theo đánh giá của chuyên gia ADB, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao nên tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế và tăng trưởng trở lại. Bước sang năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Việt Nam vẫn đang có những thế mạnh và tiềm năng, thậm chí đại dịch đã tạo ra “sức ép” để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách. Đại dịch đã giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số kinh tế và đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Có thể thấy hiện nay 60-70% doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ, đã đều thực hiện chuyển đổi số, họ có thể chuyển sang nền tảng số, kết nối Internet, từ đó cho thấy sự năng động sáng tạo và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch vụ thanh toán điện tử qua ngân hàng hay qua mạng điện thoại di động ở Việt Nam đang tăng trưởng ở mức rất nhanh so với nhiều nước.

Có thể thấy, Việt Nam có sức hút lớn với các nhà đầu tư FDI, do nền kinh tế năng động, lao động có chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả, Việt Nam cũng có các cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư...

Là một nền kinh tế mở, do đó, lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Kinh tế xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc. Tuy nhiên, điểm cần lưu tâm là sang năm 2022, việc IMF hay WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam, cần nhanh chóng thích ứng để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhiệm vụ cho năm 2022 đã được đề ra, trong đó tăng trưởng GDP được giao mục tiêu phải đạt mức 6-6,5%. Chuyên gia của WB cho rằng, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi. Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng đó là với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 nào nữa.

“Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với hai điều kiện: Một là Chính phủ triển khai tốt hơn chính sách tài khóa và hai là nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch Covid-19.Tôi tin rằng với việc triển khai cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam sẽ lại một lần nữa vươn lên mạnh mẽ để đi trên con đường trở thành "con hổ châu Á"”, chuyên gia Jacquet Morisset nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia WB: Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng để trở thành ‘con hổ châu Á’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.