Thứ sáu, 22/11/2024 16:26 (GMT+7)
Thứ hai, 22/05/2023 06:44 (GMT+7)

Chuyên gia: Cần cơ chế đánh giá độc lập các quy định, chính sách

Theo dõi KTMT trên

Theo TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), cần nghiên cứu xây dựng một cơ chế đánh giá độc lập các quy định, chính sách của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ.

Những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm đến cải cách quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 và hằng năm đều có nghị quyết riêng về vấn đề này, trước đây là Nghị quyết 19/NQ-CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP.

Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực bước đầu.

Chuyên gia: Cần cơ chế đánh giá độc lập các quy định, chính sách - Ảnh 1
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: Vietnam+)

- Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách quy định, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua?

Tiến sỹ Đặng Đức Anh: Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các quy định kinh doanh là một trong những nội dung ưu tiên của Chính phủ trong thời gian dài trước đây, cũng như trong giai đoạn hiện nay. Các nỗ lực đó của Chính phủ đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện ở những bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chỉ số về năng lực cạnh tranh… Liên quan đến cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc xếp hạng.

Trong đánh giá, cảm nhận của người dân, doanh nghiệp, các Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS, Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX… đã cho những điểm số tích cực. Điều đó cho thấy những nỗ lực của Chính phủ xuyên suốt từ trước đến nay liên quan đến Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 và giai đoạn 2020-2025 là Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, đã có những kết quả tích cực ban đầu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài, còn nhiều lo ngại, phàn nàn về môi trường đầu tư chưa được như kỳ vọng.

- Theo ông, những nỗ lực đó liệu đã đủ để chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh hay còn cần những yếu tố nào?

Tiến sỹ Đặng Đức Anh: Tôi cho rằng cải cách hành chính là một quá trình xuyên suốt, lâu dài và liên tục, đòi hỏi cả công tác cải cách về bộ máy, thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là để giải quyết một cách căn cơ hơn thì đầu tiên phải đi từ câu chuyện xác định vai trò của Nhà nước, của Chính phủ tạo lập môi trường như thế nào.

Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành nghề mà luật không cấm. Hệ thống pháp luật không thể bao phủ được tất cả hoạt động kinh doanh và nhiều hoạt động kinh doanh sẽ xử lý bằng các quan hệ dân sự, quan hệ xã hội bình thường, trừ khi những quan hệ đó gây ra tổn hại về mặt an ninh, đạo đức xã hội mới cần có những quy định để xử lý.

Tôi cho rằng hiện nay tinh thần của Luật Doanh nghiệp đang bị phai nhạt một phần, dường như chúng ta đang quay lại cơ chế doanh nghiệp được làm những gì pháp luật quy định, còn những cái chưa có thì ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cảm thấy rất rụt rè và lo ngại trong việc liệu cho phép doanh nghiệp thực hiện như thế có được không.

Cái gốc rễ là phải quay lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và chỉ xử lý nó khi có tác động tiêu cực đến xã hội.

Thứ hai, phải nghiên cứu xây dựng một cơ chế đánh giá một cách độc lập các quy định, chính sách của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ.

Chúng ta biết rằng luật do Quốc hội ban hành nhưng để thực thi luật thì nhiều khi nằm ở nghị định, thông tư.

Việc đánh giá tác động hoặc phản biện chính sách đối với các nghị định, thông tư chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến các bộ, ngành thường thêm các quy định, điều kiện trong đó.

Chính phủ hiện nay chưa có một cơ quan đánh giá độc lập quy định, chính sách. Cần nghiên cứu xây dựng một cơ quan như thế để giải quyết tận gốc của vấn đề. Có cơ quan rà soát, kiểm tra ngay từ đầu, phản biện lại, ngày càng có vai trò, tiếng nói trong việc ban hành chính sách của các bộ, ngành, đặc biệt là với môi trường kinh doanh và các quy định, tôi nghĩ sẽ giúp giảm bớt các quy định.

Chuyên gia: Cần cơ chế đánh giá độc lập các quy định, chính sách - Ảnh 2
Công nhân tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục rà soát, cắt giảm các quy định như Nghị quyết 68. Hiện các bộ, ngành tự rà soát quy định của mình nên cũng có hạn chế, thường chỉ đề xuất những vấn đề từ góc độ của họ để tạo điều kiện cho hoạt động của họ.

Thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phân tích và đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách. Trong số đó có một hợp phần rất quan trọng là phân tích, đánh giá về phương án cắt giảm của các bộ, ngành và có báo cáo nghiên cứu độc lập, chuyên sâu về một số vấn đề nổi cộm mà doanh nghiệp đưa ra nhưng không nằm trong phương án của các bộ, ngành.

Theo kinh nghiệm của tôi khi tham gia cùng Văn phòng Chính phủ trong việc đánh giá, rà soát các quy định, các bộ, ngành đưa lên thường là đơn giản hóa các biểu mẫu, đưa các thủ tục lên dịch vụ công cấp độ 3, 4 nhưng số quy định kinh doanh lại rất ít, hoặc liệt kê là quy định kinh doanh nhưng tác động thực sự đến đâu lại không rõ ràng.

Ngay cả dịch vụ công cấp độ 4, doanh nghiệp, người dân cũng kêu rất nhiều. Trước đây họ nộp bản giấy chỉ mất một công thôi, bây giờ lại mất một công upload lên hệ thống, xong vẫn phải mang giấy đó đến bộ phận một cửa, vì vẫn phải ra để kiểm tra giấy tờ, thủ tục, nên đến luôn bộ phận một cửa cho xong. Hệ thống thông tin của chúng ta chưa có sự kết nối đồng bộ, liên thông.

Hiện nay, mặc dù trong Nghị quyết 68 cũng có những cải cách và tính toán chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng vẫn là từ phía cơ quan quản lý ước tính. Tôi cho rằng thống kê chi phí tuân thủ hiện nay có lẽ thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chịu. Chủ yếu chỉ tính được các chi phí tuân thủ về mặt hành chính, còn các quy định về con người, quy trình sản xuất, giấy phép… dẫn đến tốn thời gian, công sức, có thể làm mất các cơ hội về cạnh tranh kinh doanh…

Việc rà soát vẫn làm nhưng có lẽ chưa phải là căn cốt trong cắt giảm các quy định hiện nay, mặc dù ở góc độ nào đó cũng có những chuyển biến. Các bộ, ngành quan tâm hơn, nhưng nếu không giải quyết được gốc của vấn đề về vai trò và cách thức quản lý, duy trì chức năng quản lý của các bộ, ngành thì rất khó.

Trong cùng lĩnh vực, ai cũng muốn quản lý, ai cũng muốn là người cấp phép, theo dõi, bởi vì nó sẽ liên quan đến bản chất sâu xa trong đó là chức năng, nhiệm vụ, vai trò của bộ, ngành đó. Có xu hướng bộ, ngành nào cũng muốn mình có vài ba luật, vì trong luật bao giờ cũng có điều khoản bộ này làm cái này, bộ kia làm cái kia, và thường đơn vị nào chủ trì thì bao giờ nhiệm vụ cũng nhiều nhất. Những xung đột như thế cần phải giải quyết trong thời gian tới.

- Như ông vừa nói, cần có bộ máy đánh giá các quy định, chính sách, nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, do vậy sẽ rất khó khăn. Vậy theo ông cần có hướng nào phù hợp hơn?

Tiến sỹ Đặng Đức Anh: Tôi cho rằng cũng không nhất thiết phải thành lập một bộ máy mới. Có thể sang nhiệm kỳ 2026-2030 sắp xếp lại bộ máy hiện nay để đảm nhiệm việc đó.

Với xu hướng phân cấp nhiều hơn, các bộ, ngành bây giờ theo cơ chế xây dựng thể chế, đồng thời cũng phải có cơ chế để kiểm soát thể chế, xây dựng nhiều nhưng thể chế đấy có tốt không, có thực sự phù hợp để thúc đẩy kinh doanh không, không phải cứ xây dựng nhiều thể chế là tốt. Nếu thể chế xung đột, mâu thuẫn, không phù hợp với cuộc sống thì nhiều khi xây dựng thể chế là rào cản.

Chúng ta phải sắp xếp lại để giao nhiệm vụ cho cơ quan đó, trên cơ sở cơ cấu lại các bộ, ngành, để người ta đảm nhận nhiệm vụ đó là nhiệm vụ chính. Ví dụ một số nước có Ủy ban về cải cách thể chế hay Ủy ban năng suất, trong đó có những bộ phận chuyên theo dõi về các ngành, lĩnh vực, chuyên tìm ra hoặc nghiên cứu để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, rào cản kinh doanh và người đứng đầu của Ủy ban là Phó Thủ tướng. Ủy ban này chỉ chuyên trách về việc gỡ rối quy định, những vấn đề nào còn thiếu thì khuyến nghị cần xây dựng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Cần cơ chế đánh giá độc lập các quy định, chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới