Chuyên gia BĐS: "Rất có thể Tân Hoàng Minh đã tính sai nước cờ nên phải bỏ cọc đất Thủ Thiêm"
Trước khi tham gia đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh không có nhiều quỹ đất ở khu vực này. Nên nghi vấn Tân Hoàng Minh đấu giá để "thổi" giá đất cho bản thân mình là không có cơ sở.
Đằng sau Tân Hoàng Minh là ai?
Ngày 12/1/2021, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành tỏ ra không mấy bất ngờ về việc này.
Nhìn dưới góc độ khách quan, ông Đực ủng hộ Tân Hoàng Minh trong quyết định chi ra 24.500 tỉ đồng cho lô đất rộng hơn 10.000 m2 ở Thủ Thiêm. Bởi nếu trong tầm 5 - 10 năm nữa thì đất khu vực này có thể đạt được giá đó. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, hiện nay với số tiền tương đương 2,4 tỉ đồng/m2 ở Thủ Thiêm là quá cao.
Bên cạnh đó, phân tích thực lực của Tân Hoàng Minh trong bối cảnh hiện nay, ông Đực đặt ra câu hỏi: Làm sao Tân Hoàng Minh có 24.500 tỉ đồng để thanh toán cho UBND TP.HCM chỉ trong vòng vài tháng? Đằng sao Tân Hoàng Minh là ai?
"Từ trước đến nay, các sản phẩm bất động sản của Tân Hoàng Minh ở trên dưới 10 dự án thường có giá rất cao, nhưng không có bao nhiêu khách hàng mua. Chính vì thế, tài sản của Tân Hoàng Minh tồn kho phải lên tới vài chục ngàn tỉ đồng. Hiện tại Tân Hoàng Minh không đủ thực lực tài chính để mua khu đất Thủ Thiêm mà có thể có ai đó đứng đằng sau", ông Đực nói.
Có nhiều nghi vấn cho rằng, cuộc đấu giá của Tân Hoàng Minh chỉ nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu và đẩy giá bất động sản Thủ Thiêm lên một tầm cao mới. Nhưng ông Đực cho rằng, Tân Hoàng Minh không có nhiều lợi ích ở khu vực này. Bởi, Tân Hoàng Minh không có nhiều quỹ đất ở quận 2, TP.HCM trước khi buổi đấu giá diễn ra. Vì vậy, những đơn vị được hưởng lợi từ cuộc đấu giá này là những doanh nghiệp đã có quỹ đất ở khu vực Thủ Thiêm rất nhiều năm rồi.
Mặt khác, cũng có khả năng Tân Hoàng Minh đã tính sai nước cờ trong vụ việc này khi nghĩ, có thể huy động được nguồn vốn lớn từ các đối tác, ngân hàng, cổ phiếu... nhưng khi cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy có sự bất ổn kinh tế sau cuộc đấu giá nên đã vào cuộc kiểm tra khiến cho Tân Hoàng Minh phải bỏ cuộc.
Cơ quan quản lý đã hành động kịp thời
Trong sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cuộc, ông Đực đánh giá rất cao hành động quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính khi kịp thời lắng nghe ý kiến dư luận về cuộc đấu giá, từ đó nhận ra những hậu quả có thể tới trong tương lai nên có chỉ đạo tới các tổ chức tín dụng rà soát lại những vấn đề liên quan để ngăn chặn.
Bởi, theo ông Đực, đây là cuộc đấu giá lớn nhất, gây chấn động nhất trong thời gian qua ở Việt Nam. Có thể nói, kết quả cuộc đấu giá đã gây ra cú sốc quá lớn cho ngành tài chính. Từ cuộc đấu giá này có thể gây ra một cơn sốt đất, hình thành bong bóng bất động sản khi giá đất bị đẩy giá cao lên một cách bất thường.
Khi cơ quan quản lý vào cuộc, làm minh bạch thực lực đơn vị trúng đấu giá, các vấn đề tài chính liên quan thì rõ rạng đã chỉ ra nhiều vấn đề tiêu cực mà cuộc đấu giá có thể đem lại nên buộc Tân Hoàng Minh phải bỏ kết quả đấu giá.
Qua sự kiện này, ông Đực cũng đưa ra quan điểm, cơ quan chức năng cần xem lại quy trình xét duyệt các đơn vị tham gia đấu giá. Cụ thể, đơn vị nào muốn tham gia đấu giá phải chứng minh được thực lực của mình, trong đó đặc biệt làm rõ nguồn tiền thanh toán nếu trúng đấu giá được lấy từ đâu? Đơn vị nào cam kết, đảm bảo thanh toán khoản tiền đó?
Dư luận đặt ra vấn đề áp giá trần trong các cuộc đấu giá nhưng theo ông Đực thì không nên áp dụng quy định này.
"Nền kinh tế thị trường thì không nên giới hạn giá trần mà để cho thị trường điều tiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần đưa ra những rào cản kỹ thuật để quản lý.
Khi giá trúng thầu quá cao thì chính doanh nghiệp trúng thầu cũng gặp nguy hiểm khi mà bỏ ra số tiền quá lớn, thực lực không đủ phải đi vay mượn rồi kinh doanh không được như mong đợi lại phá sản, trở thành "con nợ", gánh nặng cho nền kinh tế...", ông Đực kết lại.
Ngọc Giang