Thứ tư, 24/04/2024 23:45 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/08/2021 13:22 (GMT+7)

Chuyển dịch năng lượng cần tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia môi trường nhấn mạnh cần tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện trong chuyển dịch năng lượng.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa tổ chức tọa đàm “Các giải pháp tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng”.

Tại tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió. Chỉ trong 2 năm qua, điện mặt trời của Việt Nam đã lọt Top 10 thế giới về công suất lắp đặt. Tuy nhiên, đây là sự phát triển nóng, chưa đồng bộ với hệ thống điện, truyền tải. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý và đơn vị vận hành hệ thống điện.

Chuyển dịch năng lượng cần tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện - Ảnh 1
Các giải pháp tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Ảnh: VGP

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự định sẽ tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm tới. Tuy nhiên, hệ thống điện Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong việc đảm bảo độ tin cậy của hệ thống và cân bằng nguồn cung cầu điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cũng đã chia sẻ những khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện thời gian tới cũng như huy động các nguồn phát điện linh hoạt. Sự biến động ngày càng tăng của phụ tải và việc tích hợp năng lượng tái tạo với tỉ trọng lớn hơn đòi hỏi không chỉ phải nâng cấp, đầu tư hệ thống truyền tải mà còn đặt ra những yêu cầu mới về tính linh hoạt của hệ thống.

Nếu không có sự bổ sung các nguồn linh hoạt, việc duy trì và cải thiện sự cân bằng giữa độ tin cậy, chi phí điện hợp lý và tính bền vững là rất khó khăn. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận nhiều về chủ đề này, một số doanh nghiệp cũng đưa ra giải pháp cho hệ thống điện vận hành khả thi và linh hoạt để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo khi vận hành hệ thống.

Theo báo cáo của GreenID tại tọa đàm, hiện nay Việt Nam chưa có chính sách về nguồn điện linh hoạt như: pin tích trữ, động cơ đốt trong linh hoạt ICE, thủy điện tích năng. Về thị trường chưa có thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như: chưa có giá lưu trữ, giá điều tần… Về tài chính, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này còn hạn chế… do vậy, cần có thêm những dự án thử nghiệm, nghiên cứu sâu.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên, Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, về mặt công nghệ, lưu trữ năng lượng ngắn hạn và dài hạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong sử dụng năng lượng. 3 xu hướng của chuyển dịch năng lượng đang thúc đẩy các đổi mới trong hệ thống như: điện khí hóa và tích hợp lưới điện như xe điện, điện phân tán gồm điện mái nhà, tuabin gió nhỏ, tạo cộng đồng năng lượng để tránh tổn thất lưới điện và trả thuế cho vận hành lưới điện. Một giải pháp khác là số hóa, tận dụng công nghệ giám sát, điều khiển kỹ thuật số trong vận hành lưới điện...

Về vấn đề chuyển dịch năng lượng, tại Phiên Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) (tháng 3/2021), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững.

Theo đó, vấn đề tái cấu trúc ngành điện và ngành năng lượng được chỉ đạo quyết liệt cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước các đơn vị phát điện, xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được phê duyệt, hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh, triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, chuẩn bị cho giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh sau năm 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 3.

Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà quan trọng là chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Triều Châu

Bạn đang đọc bài viết Chuyển dịch năng lượng cần tăng cường tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới