Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng: Cải cách hành chính, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp
Sáng 14/7, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị phân tích các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năng lực cạnh tranh (PCI), đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) và chỉ số quản trị công (PAPI).
Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân nhân
Tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, ông Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HDND tỉnh, thành viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp…
Sau khi nghe báo cáo của Sở Nội vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cho biết, trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có 2 chỉ số tăng mạnh là PCI và PAPI, 2 chỉ số giảm mạnh là PAR Index và SIPAS. “4 chỉ số này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai minh bạch trong quản lý, điều hành của hệ thống chính chính trị Sóc Trăng. Vì thế, việc cải thiện các chỉ số là một trong những cách thức nâng cao niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự quản lý, điều hành của tỉnh. Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân nhân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đánh giá được tính quan trọng của các chỉ số, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đã chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức Hội nghị để cùng phân tích các chỉ số như trên. Đây cũng là cơ hội để cả hệ thống chính trị của tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra nguyên nhân hạn chế của hai chỉ số PAR Index và SIPAS. Trong vấn đề này, nếu sở ngành nào còn có hạn chế thì đề nghị cần phải nhanh chóng sửa đổi, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
“Tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng cần phải nêu cao tình thần trách nhiệm. Có những đóng góp, phát biểu thẳng thắn, nhìn nhận vấn đề một cách trực hiện. Mục tiêu chung là làm sao cho 4 chỉ số trong năm 2023 của chúng ta được cải thiện ở mức tốt hơn 2022. Bởi các chỉ số này sẽ là động lực để chúng ta thu hút đầu tư, phát triển kinh tế”, ông Trần Văn Lâu thẳng thắn.
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đồng chí Lâm Văn Mẫn chia sẻ: “Tôi đánh giá cao UBND tỉnh đã tổ chức được một hội nghị chất lượng như hôm nay với những báo cáo rất rõ ràng, chi tiết. Sau khi công bố các chỉ số này, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy rất mừng đối với các chỉ số tăng. Bởi nó đã đánh giá đúng về sự nỗ lực của các sở ngành trong thời gian qua. Ngược lại, một số chỉ số giảm thì cũng khiến chung ta tâm tư. Tại sao các chỉ số này lại giảm, phải chăng cách làm của chúng ta chưa phù hợp….?”.
Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, 4 chỉ số trên đánh giá sự uy tín chính trị của tỉnh trong lòng người dân, doanh nghiệp và các bộ ban ngành trung ương… Các chỉ số này tăng lên đồng nghĩa với việc lâu nay tỉnh Sóc Trăng đã điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, 4 chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, SIPAS còn có ý nghĩa quan trong trong việc đánh giá mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư… của tỉnh Sóc Trăng. Đây đều là những nhiệm vụ trọng tâm để khơi thông các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng của các cấp ủy, cơ quan hành chính, các địa phương.
Các chỉ số được xem là công cụ đo lường khách quan nhất, toàn diện nhất trong lãnh đạo cấp ủy, trong hoạt động hành chính, trong lãnh đạo chỉ đạo của cán bộ, công chức. Nó sẽ là căn cứ vô cùng quan trọng để đáng giá tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, sự dám nghĩ, dám làm trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Đặc biệt, các cơ quan trung ương cũng xem những chỉ số này để đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền địa phương.
“Đây là tiền đề để thu hút đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp căn cứ vào các chỉ số để họ đánh giá xem có nên đầu tư vào Sóc Trăng hay không. Thời gian qua, các sở ngành đã rất tích cực, nỗ lực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các giải pháp cải thiện các chỉ số. Hai chỉ số mà Sóc Trăng tiến bộ trên bảng xếp hạng là PAPI (thuộc nhóm trung bình cao 24/61 tỉnh. Chỉ số này tăng 27 bậc so với năm 2021) và Chỉ số PCI (xếp thứ 34/63 tỉnh thành, tăng 20 so với năm 2021. Sóc Trăng là nhóm trung bình của toàn quốc. Đây là năm đạt thứ hạng cao nhất trong 5 năm trở lại đây). Tuy nhiên, 2 chỉ số giảm điểm là PAR Index và SIPAS. Chúng ta phải xem xét lại nguyên nhân vì sao và đưa ra hướng khắc phục”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phân tích.
Theo đồng chí Lâm Văn Mẫn, qua đánh giá của các sở ngành, vấn đề cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cán bộ công chức viên chức, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử… cần phải cải thiện. Các sở, ban, ngành Sóc Trăng đã khẩn trương thực hiện, cải cách liên tục những vấn đề trên nhưng cho thấy hiệu quả chưa cao. Vì thế, cần phải có sự quan tâm để tiếp tục cải thiện.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, khi chúng ta đã làm rõ được những hạn chế thì hoàn toàn có thể thay đổi được những chỉ số này trong thời gian tới”.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông rất mừng khi UBND tỉnh tổ chức hội nghị lớn, gồm đầy đủ các sở, ban, ngành, địa phương để cùng phân tích, mổ xẻ, đưa ra ý kiến để cải thiện chỉ số. “Điều này chứng tỏ Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến các tâm tư, nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Sóc Trăng lâu nay đang xây dựng một nền hành chính công phục vụ nhân dân, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Công tác cải cách hành chính đã có những thay đổi vượt bậc với sự quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng có thêm niềm tin vào sự định hướng của tỉnh”, TS Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Theo TS.Trần Khắc Tâm, việc cải thiện, nâng cao 4 chỉ số là điều vô cùng quan trọng. Bởi đây đều là các chỉ số để thu hút đầu tư, thu hút những nguồn lực trong nước, thậm chí là cả quốc tế để phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, về cơ sở hạ tầng, tỉnh Sóc Trăng đã khởi công những dự án lớn. Vì vậy, để thu hút đầu tư, chúng ta cần phải có những đột phá về hành chính công.
Trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã ghi được dấu ấn đậm nét khi chỉ số PCI và PAPI tăng cao trên bảng xếp hạng. Điều này là sự ghi nhận của các cơ quan trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với những nỗ lực, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh. Và, với sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ông Tâm cho rằng, 4 chỉ số trên của Sóc Trăng sẽ có những bước tiến trong năm 2023.
Văn Chương