Thứ năm, 02/05/2024 07:22 (GMT+7)
Thứ hai, 25/03/2024 16:51 (GMT+7)

Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn

Theo dõi KTMT trên

Sáng 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu và các Sở, ngành đã đi kiểm tra thực địa công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của kinh tế tỉnh

Các địa điểm Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại vùng cây ăn trái và trồng lúa của huyện Kế Sách, Long Phú, Trần Đề.  Ba địa phương này đều có tiếp giáp sông Hậu, riêng Trần Đề còn giáp với biển.

Tại huyện Kế Sách, đoàn kiểm tra UBND tỉnh đã đến tham quan cánh đồng lúa và vườn cây ăn trái của nông dân xã Thới An Hội. Nông dân chia sẻ, với cánh đồng lúa, nguồn nước cung cấp vẫn đảm bảo, đặc biệt trong thời điểm nước mặn lên, địa phương đã tuyên tuyền nông dân tích trữ nước để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng cho cây. Để tích trữ nước cho vườn cây ăn trái, hộ dân đào nhiều ao để trữ nước ngọt, cung cấp cho cây khi nước mặn trên các sông, kênh, rạch tăng cao, kèm theo đó là hộ dân áp dụng hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái.

Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn - Ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đi thực địa kiểm tra tình hình ngập mặn. 

Được biết, do địa phương chủ động đo độ mặn và thông báo cho người dân qua nhóm Zalo từ xã đến ấp nên nông dân chủ động lấy nước ngọt sớm vào đồng và vườn cây ăn trái, đảm bảo tưới tiêu thuận lợi.

“Tôi yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương tiếp tục quan tâm đến nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Kế Sách, nhất là nguồn nước dành cho cây ăn trái. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về tình hình độ mặn để bà con có thể trữ nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định.

Tại huyện Long Phú, đại diện địa phương báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh rằng, nhiều nơi nông dân đã thu hoạch xong lúa đông – xuân, năng suất gần 7 tấn/ha. Những nơi còn lúa đang trong giai đoạn “cong trái me”, nước dưới kênh nội đồng còn ngọt do hệ thống thủy lợi khép kín. Vì vậy, nông dân vùng này rất phấn khởi khi giá lúa vẫn giữ ở mức cao.

Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022 - 2023. Xâm nhập mặn năm nay có khả năng nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.

Giám đốc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nói thêm, từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến ngày 1/3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu và có xu hướng ngày càng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn Long Phú – Tiếp Nhật và Kế Sách. Ranh mặn 4 gram/lít dịch chuyển thường xuyên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ – Song Phụng gây khó khăn cho việc cung cấp nước khu vực Long Phú – Tiếp Nhật.

Tại huyện Trần Đề, ông Lưu Hữu Danh, Bí thư Huyện ủy Trần Đề cho biết nước trên đồng mặn 2,8 phần nghìn. Tuy nhiên, lúa vẫn đang xanh tốt và địa phương đang có kế hoạch rút nước mặt khỏi ruộng để lúa trổ bông xong sẽ bơm nước vào khi độ mặn ngoài sông giảm.

Liên tục cập nhật về thiếu nước, hạn mặn trên internet

“Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải trang bị hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bằng cách lập nhóm Zalo, Facebook… để tuyên truyền nông dân sử dụng nước sinh hoạt và nước sản xuất tiết kiệm. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương thường xuyên đo độ mặn trên các sông, kênh, rạch để thông tin đến hộ dân về độ mặn nhằm chủ động trong sản xuất”.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh

Được biết, lúa vụ Đông - Xuân muộn 2023 - 2024 (vụ 3), huyện Trần Đề xuống giống diện tích hơn 510ha. Thời gian qua, độ mặn đo được ở các cống trên lên đến hơn 2,5‰, nên việc cung cấp nguồn nước cho vùng sản xuất lúa Đông -  Xuân muộn của huyện gặp khó. Do đó, để đảm bảo nguồn nước trong canh tác lúa Đông - Xuân muộn, huyện đã tuyên truyền hộ dân tranh thủ tích trữ nguồn nước ngọt để cung cấp cho cây lúa, khi có nước mặn lên.

Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn - Ảnh 2
Ông Huỳnh Văn Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNTbáo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (thứ 2 từ phải sang) về tình hình xâm nhập mặn. Ảnh: Báo Sóc Trăng.

Kết thúc chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, ông đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong việc ứng phó với hạn, mặn. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương cần xem ngành nông nghiệp là trụ đỡ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Vì vậy, bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn thì ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần quan tâm đến những giải pháp lâu dài cho từng vùng để người dân trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp mà không bị xung đột nguồn nước mặn – ngọt.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, hướng lâu dài là địa phương phải nghiên cứu quy hoạch rõ ràng, vùng nào trồng lúa, vùng nào trồng màu, vùng nào trồng cây ăn trái… để có nguyên một diện tích tổng thể lớn thì mới đầu tư được hạ tầng thủy lợi.

Dự án kiểm soát mặn 900 tỷ đồng bao giờ về đích?

Đoàn cũng đã đến kiểm tra tiến độ thi công Dự án Kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu, thuộc 2 huyện Kế Sách và Long Phú. Theo đó, công trình cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư có tổng kinh phí đầu tư là 900 tỷ đồng.

Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn - Ảnh 3
Cận cảnh Dự án Kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu.

Mục tiêu đầu tư cống âu Rạch Mọp nhằm kết hợp cùng với các công trình đã xây dựng để tạo nguồn ngọt, kiểm soát nguồn nước, triều cường, bảo vệ các vùng sản xuất và cơ sở hạ tầng (giảm ngập do hiện tượng sụt lún đất, nước biển dâng và triều cường gây ra) cho khu vực phía Nam sông Hậu của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Theo dự tính, nhiệm vụ dự án trên là kiểm soát mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và thành phố Sóc Trăng; giảm thiểu do ảnh hưởng hạn, mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt, ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiện hơn 36.700ha tại huyện Kế Sách, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang); tăng khả năng luân chuyển dòng chảy.

Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn - Ảnh 4

Theo báo cáo của chủ đầu tư, Dự án sẽ đưa vào vận hành chậm nhất là đầu năm 2025. Công trình khi đi vào hoạt động sẽ kiểm soát tốt nguồn nước mặn trên địa bàn các huyện: Long Phú, Kế Sách, Châu Thành.

Trực 24/24h và thường xuyên đo độ mặn

Đoàn kiểm tra của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã đến kiểm tra công tác vận hành đóng - mở cống Bà Xẩm, thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú và tham quan cánh đồng lúa của nông dân thị trấn Long Phú.

Theo đại diện UBND huyện Long Phú, để đảm bảo cho việc lấy nước cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện cử cán bộ trực cống 24/24 giờ và thường xuyên đo mặn tại các cống lớn trên địa bàn huyện, trong đó có cống Bà Xẩm. Trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2023 - 2024, huyện đã thu hoạch dứt điểm hơn 16.000ha lúa, năng suất bình quân đạt hơn 6,4 tấn/ha. Trong những năm gần đây, huyện khuyến cáo chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm, tuy nhiên do giá lúa tăng cao, nông dân vẫn tiếp tục xuống giống lúa Đông - Xuân muộn (lúa vụ 3) diện tích hơn 6.000ha, tăng 53% so cùng kỳ.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Sóc Trăng xuống ruộng, trực tiếp kiểm tra tình hình thiếu nước, hạn mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!
Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng
Những ngày này, cả nước đang hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng. 70 năm qua, dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vẫn còn hiện rõ trên mảnh đất miền Tây Bắc này.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.