Thứ sáu, 26/04/2024 13:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/06/2021 06:30 (GMT+7)

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Trước nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng và bất thường, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai cụ thể trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trong sáng ngày 4/6, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 đã diễn ra trong bối cảnh Biển Đông vừa đón cơn bão số 1 (bão Choi-wan) và nhiều nơi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Dự báo trong năm nay, số lượng bão, áp thấp trên Biển Đông có thể tương đương mức trung bình nhiều năm, khoảng 12-14 cơn. Trong đó, 5-7 cơn bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. 

Từ tháng 6 đến tháng 9, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung hoạt động ở bắc và giữa Biển Đông nên khu vực chịu ảnh hưởng là Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ tháng 9 trở đi, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.

Ngoài ra, đại diện cơ quan khí tượng cho biết các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ năm nay không gay gắt, kéo dài như năm 2020, nhưng không loại trừ khả năng có nơi nắng nóng cục bộ. Thời gian tới, nhiệt độ ở một số nơi có thể đạt mức 41-42 độ C.

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trong đó, có đến 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỉ đồng. 

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đã tác động rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh xu thế về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường. Thậm chí có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân.

"Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần được quan tâm toàn diện hơn. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta vừa phòng, chống dịch Covid-19 mà trường hợp bão xảy ra thì việc ứng phó thiên tai đặt ra thế nào?”, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cụ thể cho tình huống này.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải quyết tâm thật cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Tuyệt đối không được chủ quan”.

Đối với các cơ quan TW, cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, đồng thời đầu tư các thiết bị, máy móc cho việc cứu hộ, cứu nạn.

Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, Phó thủ tướng nhận định các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Do đó, địa phương cần tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Còn với các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, phải theo dõi thật chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó thật kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu giảm thiệt hại về người và lấy sự an toàn của người dân làm "thước đo" cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai. Bảo vệ tính mạng người dân là đặt lên hàng đầu.

Thiên tai đã 'thổi bay' hơn 112 tỉ đồng chỉ trong 5 tháng

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính về giá trị khoảng 112 tỉ đồng.

Trong đó, cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét. Riêng trong tháng 5/2021, đã xảy ra 50 trận dông lốc, sét rải rác tại 25 tỉnh/TP trên cả nước; 7 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó, 2 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông. 

Cũng theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực kinh tế biển Việt Nam ngày càng hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại về người và kinh tế nhưng các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới