Chủ động phòng chống rét đậm rét hại, đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh
Theo Cơ quan khí tượng đánh giá, đây là đợt lạnh nhất từ đầu mùa đông năm nay tính tới thời điểm hiện tại. Do đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh.
Liên quan đến đợt mưa rét kéo dài ở miền Bắc, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn), nguyên nhân của đợt mưa nhỏ, mưa phùn, rét buốt ở miền Bắc là do khối không khí lạnh lệch Đông đã "tạo đà" cho đới gió Đông Bắc đến Đông đưa hơi ẩm từ ngoài biển vào đất liền.
Ngoài ra, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc kéo dài từ ngày 30/1-6/2 vừa qua (tức từ ngày 28 Tết đến ngày 6 Tết) theo đánh giá của chuyên gia khí tượng thủy văn là bình thường. Bởi vì tháng 1 và tháng 2 là giai đoạn chính Đông ở Bắc Bộ, trong giai đoạn này các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta nhiều, mạnh và xét về mặt khí hậu, đây cũng là giai đoạn tập trung nhiều đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng nhất trong năm.
Băng giá bắt đầu xuất hiện ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn từ sáng ngày 20/2. Mưa cùng sương mù dày đặc khiến tầm nhìn về chiều bị hạn chế hơn. Dự báo băng giá tiếp tục trong vài ngày tới.
Nhiệt độ Sa Pa, Lào Cai cũng giảm xuống còn 0 đến -2 độ C. Nguy cơ cao xảy ra mưa tuyết, băng giá tại một số khu vực núi cao trên 2.000m.
Từ sáng sớm 20/2, khu vực đỉnh Phia Oắc, thuộc Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện băng giá dày đặc khi nền nhiệt xuống dưới 0 độ C. Đây là lần xuất hiện băng giá đầu tiên tại khu vực này trong năm nay với nền nhiệt ban đêm lạnh dưới 0 độ C kèm mưa nhỏ và gió mạnh.
Không chỉ tại Xín Cái, tại xã Thượng Phùng của Mèo Vạc và một số xã của huyện Đồng Văn và một vài địa bàn có địa hình núi cao khác cũng ghi nhận hiện tượng băng giá. Rét buốt khiến cho việc sinh hoạt, di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Cơ quan khí tượng đánh giá đây là đợt lạnh nhất từ đầu mùa đông năm nay tính tới thời điểm hiện nay.
Để chủ động ứng phó với rét hại, băng giá và giảm thiểu những thiệt hại, tránh lặp lại những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra trong thời gian qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và Nhân dân.
Cùng với đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; Hạn chế hoạt động ngoài trời lạnh; Tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người như tại một số địa phương trong những năm gần đây.
Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; Triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; Hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; Tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ chống dịch, chống rét
Trước tình hình thời tiết cũng như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhiều tỉnh thành đã có những điều chỉnh trong phương án đến trường cho học sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kèm theo tình hình thời tiết khắc nghiệt, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiến hành điều chỉnh phương án đến trường cho học sinh.
Tại Hà Nội, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các đơn vị, nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học trực tiếp sao cho phù hợp.
Theo đó, khi trời lạnh dưới 10 độ C, các đơn vị được phép quyết định cho học sinh tiểu học nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
- Khi trời khi trời lạnh dưới 7 độ C, các đơn vị cho học sinh trung học cơ sở nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, “với khối THCS, nếu thời tiết dưới 7 độ C, học sinh được nghỉ học tại trường, chuyển sang việc học trực tuyến. Phụ huynh căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết tại bản tin Chào buổi sáng lúc 6h sáng trên VTV1 để biết được sáng hôm đó con mình có phải đến trường hay không", ông Cương thông tin.
Về phương án dạy học, Sở GD&ĐT Hà Nội tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học trực tiếp (theo kế hoạch là vào ngày 21/2) cho đến khi có thông báo mới của thành phố.
Tại Quảng Ninh, Sở GD&ĐT tỉnh vừa có chỉ đạo mới về việc tổ chức dạy học cho học sinh, trẻ mầm non trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo đó, trẻ em bậc học mầm non nghỉ học từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng, chống rét đậm, rét hại.
Đối với cấp Tiểu học, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21/02/2022 đến hết ngày 25/02/2022 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.
Đối với cấp THCS và THPT, tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp tại trường (Trung tâm GDNN-GDTX) cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức học trực tiếp cần tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát hiệu quả và đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Đối với các lớp học khi xuất hiện ca F0, cần phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét tạm thời chuyển sang học trực tuyến cho học sinh.
Ngày 20/2, chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21-2 cho đến khi có thông báo mới.
Đối với bậc mầm non, chủ tịch tỉnh Phú Thọ yêu cầu căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.
Đối với bậc trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.
Ngày 20/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh này vừa có văn bản về việc bảo đảm an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành y tế, GD&ĐT đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học bảo đảm an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.
Trong đó, các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất. Các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ ngày 21-2 cho đến khi có thông báo mới của ban chỉ đạo huyện, thành phố.
Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, thực hiện dạy, học trực tuyến với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả các học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và cam kết bảo đảm các điều kiện học trực tuyến hiệu quả.
Cũng trong ngày 20/2, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã có công văn gửi các đơn vị, địa phương về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học trên địa bàn.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn từ ngày 21/02 cho đến khi có thông báo mới. Giao Phòng GD&ĐT triển khai phương án dạy học trực tuyến đối với bậc học tiểu học và lớp 6.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại tất cả các huyện, thành phố, ngành giáo dục Đắk Nông cấp tốc cho sinh mầm non, tiểu học tạm dừng đến trường từ ngày 21/2.
Lan Anh (T/h)