Thứ sáu, 29/03/2024 21:21 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/01/2022 20:00 (GMT+7)

Chủ động mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu thanh long

Theo dõi KTMT trên

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đã đến lúc người sản xuất, doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy để không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Do đó, các địa phương cần chủ động tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thanh long.

Thanh long vẫn là mặt hàng chính xuất khẩu sang Trung Quốc

Tại diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 6/1, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ dẫn tới việc ùn ứ tại các cửa khẩu, đặc biệt khi Trung Quốc thực hiện “Zero Covid” tạm ngưng thông quan", ông nói.

Theo đó, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp nên chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển và khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.

Được biết, Trung Quốc là nền kinh tế phát triển thứ 2 và dân số lớn nhất thế giới, đặc biệt Việt Nam xuất khẩu nông sản sang nước này với số lượng rất lớn.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, quả thanh long chiếm giá trị lớn trong tổng giá trị xuất khẩu trái cây cả nước. Đây vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Chủ động mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu thanh long - Ảnh 1
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long. (Ảnh minh họa)

Thanh long được trồng tại hơn 30 tỉnh, thành nhưng tập trung chủ yếu hơn 90% sản lượng tại Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Trong quý I/2022, khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

Theo các nhà vườn trồng thanh long, hiện tại đang là thời điểm nghịch vụ, nông dân chong đèn sản xuất nên giá thành cao trong khi thiếu thương lái thu mua, nhiều kho hàng tạm ngưng hoạt động chờ động tĩnh từ phía Trung Quốc.

Trước đó, các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc đã buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc. Hiện hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, ngay trong ngày 5/1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch.

Còn nhiều dư địa xuất khẩu

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, 3 tháng đầu năm là thời điểm địa phương tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. “Do Trung Quốc đóng biên nên các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Do việc thông quan ở các cửa khẩu phía bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg”, ông Tấn nêu thực tế.

Bàn về các giải pháp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các cơ quan, địa phương thông tin, khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng, nhà vườn, hợp tác xã, các doanh nghiệp tạm thời dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu biên giới. Đồng thời chủ động nắm bắt thông tin để điều tiết hợp lý lượng nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Trung Quốc (nhất là một số cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chưa được thông quan trở lại) thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022. Bên cạnh đó, có kế hoạch, phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt; có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ đối với hàng hoá phải quay lại tiêu thụ nội địa do không xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Nông sản từ châu Á, trong đó có thanh long được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu” - ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam nhận định. Tại Hà Lan, mua thanh long không dễ. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng/1 quả 400 g. Sở dĩ có mức giá cao như vậy là do chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.

Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn và tai không dài quá 1,5 cm.

Cùng chung ý kiến trên, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh: "Ở Ấn Độ nhu cầu về thanh long rất lớn, quốc gia này nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia,Việt Nam... Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD.

Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, tháng 6 vừa qua, Ấn Độ lần đầu tiên xuất khẩu thanh long sang thị trường UAE, đây sẽ là một thách thức lớn đối với trái thanh long của Việt Nam trong thời gian tới..."

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thanh long hiện là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương có sản lượng thanh long lớn đến thời kỳ thu hoạch chủ động tổ chức đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp đưa hàng vào các chuỗi, hệ thống phân phối bán lẻ trong nước; đẩy mạnh chế biến sản phẩm sấy khô, bột thanh long. Ông Nam nhấn mạnh thông tin từ các doanh nghiệp và tham tán, xuất khẩu thanh long còn nhiều tiềm năng, vấn đề làm sao sản xuất trong nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Đã đến lúc người sản xuất, doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy để chúng ta không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nữa, trong khi nhiều quốc gia cũng có nhu cầu thì sản xuất phải tìm cách đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn để vào được nhiều thị trường khác nhau. Đây là quan điểm nhất quán của Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai thời gian tới“, ông Trần Thanh Nam thông tin.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chủ động mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho xuất khẩu thanh long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.