Thứ sáu, 04/10/2024 03:04 (GMT+7)
Thứ tư, 06/10/2021 12:07 (GMT+7)

Chợ truyền thống phía Nam mở lại, người có ‘thẻ xanh Covid’ sẽ được mua hàng trực tiếp

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Công Thương, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch đã được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, việc khôi phục lại hoạt động các chợ đầu mối và siêu thị tại các tỉnh thành phía Nam sẽ là cơ sở để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cuối năm.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhiều địa phương bước đầu kiểm soát được dịch, các hệ thống phân phối như chợ, siêu thị dần mở cửa trở lại và cho người dân có “thẻ xanh Covid” được đến mua hàng trực tiếp. 

Tính đến ngày 4/10, trên địa bàn TP.HCM có 15 chợ truyền thống (mở thêm chợ Bình Thới, quận 11 từ ngày 3/10), 105/106 siêu thị và 2.847/3.101 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn hoạt động để phục vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, các chợ truyền thống khác chưa chính thức được hoạt động nhưng vẫn có một số quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt. Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động, việc ra vào khu vực chợ đầu mối được thực hiện kiểm tra khai báo y tế, có test Covid-19 và quét mã QR.

Chợ truyền thống phía Nam mở lại, người có ‘thẻ xanh Covid’ sẽ được mua hàng trực tiếp - Ảnh 1
Chợ, siêu thị dần mở cửa trở lại, người dân có “thẻ xanh Covid” sẽ được đến mua hàng trực tiếp. (Ảnh: Hoàng Triều)

Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc khôi phục lại hoạt động các chợ đầu mối và siêu thị là cơ sở để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một số xã, huyện, các chợ đã dần hoạt động trở lại, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm phong phú hơn. Phần lớn các địa phương vẫn áp dụng hình thức đi chợ theo phiếu hoặc thông qua các tổ đi chợ hộ hoặc shipper. Người dân tiếp tục đặt mua hàng online qua các ứng dụng.

Trên địa bàn TP.Bà Rịa, một số các cửa hàng Bách Hóa Xanh, siêu thị Co.opMart Bà Rịa, đã bán hàng trực tiếp cho người dân, việc kiểm soát lượt người vào mua được khá chặt chẽ, hạn chế tập trung đông người. 

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong ngày 4/10, hiện có 8/11 siêu thị, 74/148 chợ truyền thống (khoảng 50%), 227 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Để bảo đảm cung ứng hàng cho người dân, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thêm 268 điểm bán hàng thay thế chợ đóng cửa trong mùa dịch, đặc biệt tại các khu vực bị phong tỏa tạm thời để phòng chống dịch, tổ chức 539 chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ người dân tại các vùng phong tỏa của TP.Biên Hòa.

Cùng với đó, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây vẫn duy trì hoạt động với tổng số tiểu thương đăng ký kinh doanh đủ điều kiện theo phương án là 60 tiểu thương, lượng hàng hóa nhập về trong ngày là 720,48 tấn. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Tại TP.Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số hộ kinh doanh ra bán tại chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường tiếp tục ổn định so với hôm trước trong khi tại chợ Hàn tăng nhẹ. Các chợ trên địa bàn Thành phố tiếp tục bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng, có màng chắn ngăn cách người bán và người mua…

Trước đó, theo kế hoạch dự kiến TP.HCM sẽ cho phép mở lại nhiều hoạt động, trong đó có hệ thống phân phối hàng hóa (siêu thị, chợ truyền thống…) để phục vụ nhu cầu của người dân. Thành phố cũng đã ban hành bộ tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình 10% lên 20%, 30%, 50%...

Trong đó, chợ truyền thống phải bảo đảm các tiêu chí như: Đối với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”; quy định khoảng cách an toàn, phương án bố trí lối ra vào, tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, công tác khử khuẩn; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, thông tin liên lạc; kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương thời gian qua là làm sao để các địa phương duy trì được hệ thống phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống bảo đảm ổn định lưu thông hàng hóa. Thời điểm này, nhiều địa phương bước đầu khống chế được dịch cũng dần mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống sẽ tiếp tục ổn định cung cầu hàng hóa, tạo bước đà cho hoạt động mua sắm cuối năm”.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp để khôi phục nhanh nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chợ truyền thống phía Nam mở lại, người có ‘thẻ xanh Covid’ sẽ được mua hàng trực tiếp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.