Chủ nhật, 28/04/2024 11:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/04/2023 09:10 (GMT+7)

Cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp để khơi thông vốn cho bất động sản

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16 ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, NHNN đề xuất ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16 đến hết ngày 31/12/2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, trong thời gian kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, TCTD được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số nội dung.

Cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp để khơi thông vốn cho bất động sản - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Lý giải cho đề xuất này, NHNN cho biết, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề xuất này cũng đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 11/3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có mục tiêu tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Theo nhận định của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc sửa đổi Thông tư 16 để tổ chức tín dụng mà cụ thể là các ngân hàng thương mại được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp là cơ sở pháp lý thúc đẩy việc giảm áp lực thanh khoản cho thị trường này.

Dự thảo sửa đổi quy định tổ chức tín dụng chỉ được phép mua lại khi doanh nghiệp đạt một số điều kiện, tránh việc mua lại trái phiếu thiếu chọn lọc, giúp khơi thông dòng vốn cho các ngành sản xuất kinh doanh, bán lẻ, dần phục hồi niềm tin cho thị trường.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định tổ chức tín dụng chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán. Quy định này sẽ tránh việc nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao, tuy nhiên VARS cho rằng quy định này cũng sẽ loại trừ ra khá nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Đánh giá về Dự thảo, bà Hồ Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Cao cấp - Nghiên cứu ngành Bất động sản, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, các ngân hàng đóng vai trò giống như một đơn vị trung gian tạo ra thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Nếu quy định trên được thông qua, ngân hàng mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân và sau đó sẽ trở thành trái chủ của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Như vậy, việc này sẽ giải quyết được một phần vấn đề cho các công ty đang gặp vấn đề về dòng tiền.

“Đây là một trong những thay đổi quan trọng, nếu ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại với nhau để đàm phán và đưa ra một phương án cụ thể sẽ phần nào giúp giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu hiện tại”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, Dự thảo cũng có một số quy định chặt chẽ hơn so với Thông tư 16. Đơn cử, các tổ chức tín dụng sẽ không được phép mua trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 5 lần. Ngoài ra, Dự thảo đang siết chặt việc ngân hàng mua TPDN trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác; để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác.

“Nhìn chung, có cả điểm nới và điểm siết. Nhưng những điểm siết chặt hơn sẽ đảm bảo việc phát hành cũng như mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai sẽ được diễn ra một cách minh bạch hơn và đúng đắn hơn”, vị này nhận định.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc ngân hàng - trái chủ lớn nhất (ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành) tham gia tháo gỡ vướng mắc cho trái phiếu doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Ngược lại, thị trường bất động sản có dòng tiền “chạy", các nhà phát hành trái phiếu không vỡ nợ, các ngành nghề ăn theo như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng phục hồi sẽ tránh việc đổ vỡ một cách liên hoàn, ngăn hệ lụy xấu cho cả hệ thống tài chính tiền tệ và nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch VARS góp ý, cần bổ sung quy định các điều kiện để tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp.

“Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh “chết tắc”, mở ra cho họ hy vọng, có thêm thời gian cơ cấu nợ, có phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, có cơ hội phát triển. Điều này có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và kinh tế nói chung”, ông Đính cho hay.

Bên cạnh đó, để tạo nên một thị trường minh bạch thông tin, ổn định và bền vững, ngoài việc sửa đổi các quy định pháp luật thì cần thiết phải có một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín đóng vai trò là tổ chức trung gian cung cấp thông tin về sức khỏe của tổ chức phát hành, ngăn chặn các rủi ro, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ái Linh 

Bạn đang đọc bài viết Cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp để khơi thông vốn cho bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới