Thứ bảy, 23/11/2024 07:17 (GMT+7)
Thứ tư, 18/03/2020 08:32 (GMT+7)

Chờ cú huých cải cách thể chế từ CPTPP

Theo dõi KTMT trên

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bước đầu đã đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam sau một năm có hiệu lực thi hành (ngày 14-1-2019). Tuy nhiên, để hiệp định này tiếp tục tạo thêm xung lực mới cho các hoạt động kinh tế và nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế như kỳ vọng, cần có sự sẵn sàng và khả năng thích ứng của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Chờ cú huých cải cách thể chế từ CPTPP - Ảnh 1
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: KHÁNH AN

Xuất khẩu hưởng lợi

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang sáu nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đạt 34,4 tỉ USD, tăng 8,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỉ USD, chỉ tăng 1%. Trước khi có CPTPP, tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khối CPTPP năm 2007-2008 chiếm gần 30,2% nhưng giảm dần xuống còn 23% và 18% trong các năm 2009-2010 và 2011-2018. Do mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019 cho nên tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường, những ngành có tỉ lệ tận dụng cao như thủy sản, dệt may, da giày,… đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đến nhiều thị trường. Còn nhiều dư địa để các DN cải thiện khả năng tận dụng ưu đãi trong CPTPP, song khó có thể tách rời với việc khai thác các hiệp định thương mại song phương (FTA) khác. Năm 2018 và 2019, khoảng 40% số DN tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó, tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP ở một số thị trường chưa cao, trừ Mê-hi-cô và Ca-na-đa. Mức độ quan tâm của DN Việt Nam vào những thị trường mới chưa có nhiều đột biến, thí dụ như thị trường Pê-ru. Từ những số liệu này, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương đánh giá, CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Nghiên cứu của CIEM cho thấy, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các cơ quan hoạch định chính sách và nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP. Trong giai đoạn 2010-2019, thu hút FDI của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký, và 7,4%/năm về vốn thực hiện. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, trong đó có con số 20,4 tỉ USD năm 2019. Niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, chính sách thu hút FDI ngày càng được hoàn thiện.

Về hiểu biết của DN đối với CPTPP, các DN tuy đã có sự quan tâm tìm hiểu về CPTPP nhưng mới chỉ là vấn đề ngắn hạn như thuế quan và cắt giảm thuế quan, chưa hiểu biết đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, công nghệ, thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước. Về năng lực khoa học công nghệ, tỉ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai và cải tiến công nghệ còn thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động, trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN còn hạn chế. DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng cho DN FDI.

Tác động lớn khi cộng hưởng với EVFTA

Cơ hội lớn từ CPTPP đem lại cho DN Việt Nam là khả năng mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Song các DN cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, nhất là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Tác động đối với DN sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ DN. Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cơ hội lớn nhất của CPTPP thực chất là sức ép cải cách thể chế. "Có 7 trong số 10 đối tác thành viên CPTPP đã ký và thực thi FTA với Việt Nam từ nhiều năm, nên lợi ích kinh tế chủ yếu chỉ ở ba đối tác còn lại. Nhưng tác động về cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì những cam kết rất cao trong CPTPP", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh. Có bốn nội dung quan trọng đối với cải cách thể chế, gồm: CPTPP đặt ra những tiêu chuẩn và định hướng cải cách thể chế có tính chất bắt buộc phải thực hiện; cam kết trong CPTPP rất gần với những nghị quyết về cải cách thể chế, chính sách mà Việt Nam đang triển khai nên sẽ gây sức ép về thời gian để thực hiện sớm và hiệu quả; CPTPP đưa ra những hỗ trợ kỹ thuật để xử lý những vấn đề khó trong cải cách thể chế; các yêu cầu về thể chế đặt ra trong CPTPP rất gần với EVFTA. Do đó, cơ hội về kinh tế của CPTPP có thể không cao nhưng cộng hưởng với những lợi ích từ EVFTA sẽ tạo động lực lớn để Việt Nam cải cách thể chế, đón đầu cơ hội hoặc hiện thực hóa cơ hội kinh tế. Trong đó, có cải thiện chất lượng hàng hóa để tận dụng ưu đãi thuế quan, bao gồm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, tự chủ nguồn nguyên vật liệu sản xuất và cơ hội đầu tư.

Theo các chuyên gia, so với các nước tham gia vào hiệp định CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: Thực thi CPTPP không phải chỉ ở mức độ cam kết, quan trọng hơn là vượt lên các cam kết vì sự hiệu quả. Ðể hiểu đúng và tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, trong thời gian tới cần có bài học về tư duy đọc và hiểu CPTPP. Chuyên gia kinh tế Lê Ðình Ân cho rằng, cần có đánh giá toàn diện về kết quả đạt được, sự thích ứng của nền kinh tế và DN cũng như những thách thức của CPTPP sau một năm có hiệu lực để từ đó tìm ra những vấn đề còn hổng và đưa ra giải pháp khắc phục. Ðồng thời, đẩy mạnh hơn vấn đề đưa thông tin của hiệp định đến DN với những nội dung cụ thể, thiết thực; lập cơ quan đầu mối triển khai công việc cụ thể… Những nhiệm vụ này phải được thực hiện bằng quyết tâm chính trị, bền bỉ trong thời gian dài mới có thể hiện thực hóa được cao nhất những lợi ích từ CPTPP.

Tô Hà

Bạn đang đọc bài viết Chờ cú huých cải cách thể chế từ CPTPP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới