Chính phủ bổ sung hơn 400 tỉ đồng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng
Việc quản lý và sử dụng số kinh phí được bổ sung sẽ được bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 890/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 (phần nhiệm vụ chi thường xuyên bố trí trong Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020).
Theo đó, quyết định bổ sung 426,668 tỉ đồng từ nguồn chi các hoạt động kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2021 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bao gồm bổ sung cho các Bộ, cơ quan Trung ương là 71,768 tỉ đồng và bổ sung kinh phí có mục tiêu cho các địa phương là 354,9 tỉ đồng.
Cụ thể, kinh phí bổ sung cho các Bộ, cơ quan Trung ương được phân bổ như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 53,868 tỉ đồng; Bộ Quốc phòng 16,9 tỉ đồng; Bộ Công an 1 tỉ đồng.
Kinh phí bổ sung cho các địa phương được phân bổ như sau: tỉnh Hà Giang 30,1 tỉ đồng; Tuyên Quang 18 tỉ đồng; Cao Bằng 8,4 tỉ đồng; Lạng Sơn 4,6 tỉ đồng; Lào Cai 5,3 tỉ đồng; Yên Bái 7 tỉ đồng; Phú Thọ 3,1 tỉ đồng; Sơn La 19,4 tỉ đồng…
Cũng theo Quyết định trên, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo. Bộ Tài chính thông báo bổ sung dự toán năm 2021 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan thực hiện theo quy định.
Đồng thời, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương căn cứ kinh phí được bổ sung nêu trên để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2021. Việc quản lý và sử dụng số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 nhiệm vụ chính: Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 được khoảng 50.231 tỉ đồng (đạt 84,3% kế hoạch). Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước là 8.746 tỉ đồng, vốn ODA khoảng 3.084 tỉ đồng, dịch vụ môi trường rừng 11.447 tỉ đồng; vốn từ tổ chức, cá nhân đầu tư 26.954 tỉ đồng.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, các chính sách đầu tư về lâm nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực như: diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước đạt 42% năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Thùy Linh