Thứ bảy, 20/04/2024 05:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 13/06/2021 09:46 (GMT+7)

Chế tài nào xử lý các doanh nghiệp chây ì hoàn nguyên sau khai thác mỏ

Theo dõi KTMT trên

Nhiều doanh nghiệp sau khi khai thác khoáng sản hết thời gian quy định trong giấy phép đã không hoàn nguyên theo quy định dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông được UBND tỉnh Quảng Ninh giao trên 171ha đất tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn để đầu tư - kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới. Đây được coi là một trong những đô thị ven biển đẹp nhất của Quảng Ninh khi hình thành.

Chế tài nào xử lý các doanh nghiệp chây ì hoàn nguyên sau khai thác mỏ - Ảnh 1
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông chưa hoàn nguyên sau khai thác đất.

Để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng dự án, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã làm thủ tục xin cấp mỏ đất tại xã Đoàn Kết và Đông Xá. Địa điểm khai thác tại thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết có diện tích là 19,3ha, trữ lượng địa chất và trữ lượng khai thác trên 5,16 triệu m3; thời gian khai thác là 2,5 năm với tổng số tiền là trên 370 tỉ đồng.

Trong hồ sơ xin cấp mỏ, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã trình quy trình khai thác mỏ đất phục vụ dự án khá nghiêm ngặt với những phương án hoàn nguyên khá hoàn hảo.

Thế nhưng, đã hết thời hạn khai thác từ 30/6/2020, thực tế ghi nhận Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông chưa thực hiện phương án hoàn nguyên, bảo vệ môi trường. Nhiều khu vực mở vỉa cao hàng trăm mét, nhưng không hề được cắt tầng, rất nguy hiểm cho người dân khi vào khu vực này. Trong khi các phương án hoàn nguyên môi trường chưa được thực hiện thì Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã định “phủi tay” bàn giao khu mỏ về cho địa phương quản lý.

Cụ thể, ngày 28/4/2021, tại biên bản bàn giao thực địa giữa Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn, vị đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông đã cho rằng, Công ty chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 8/4/2021...

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian qua có 28 mỏ khai thác đất, đá đã hết thời gian được cấp phép khai thác, trước đó phải dừng hoạt động trước khi chấm dứt hiệu lực giấy phép để thực hiện công tác khôi phục, hoàn thổ, cải tạo môi trường sinh thái xung quanh khu vực rồi đóng cửa mỏ… Song, công tác này khá lơ là, chậm chạp; thậm chí nhiều mỏ vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương…

Chế tài nào xử lý các doanh nghiệp chây ì hoàn nguyên sau khai thác mỏ - Ảnh 2
Nhiều mỏ khai thác đất đã hết thời gian khai thác nhưng chưa thực hiện việc hoàn nguyên.

Một cán bộ Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.

Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT cũng quy định về việc doanh nghiệp phải tiến hành ký quỹ để phục hồi môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Theo đó, đối với doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó cũng phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phạt tiền từ 200 triệu  đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Ngoài ra cũng có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với các vi phạm.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Chế tài nào xử lý các doanh nghiệp chây ì hoàn nguyên sau khai thác mỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới