Cháy rừng kinh hoàng ở Ukraine, 9.000 người phải sơ tán khẩn cấp do vỡ đập trên sông Dương Tử
Bốn người thiệt mạng, 110 ngôi nhà bị phá hủy trong đám cháy rừng ở miền đông Ukraine, một đoạn trên sông Dương Tử đã bị vỡ do nhiều ngày mưa lớn, dịch tả lợn châu Phi bùng nổ tại Trung Quốc do lũ lụt...là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Bốn người thiệt mạng, 110 ngôi nhà bị phá hủy trong đám cháy rừng ở miền đông Ukraine
Lính cứu hỏa làm việc để dập tắt đám cháy rừng ở khu vực Luhansk, Ukraine. (Ảnh: Reuters) |
Truyền thông địa phương đưa tin, do thời tiết nắng nóng kéo dài và gió mạnh tại khu vực này đã thổi bùng ngọn lửa, gây ra một đám khói khổng lồ bao phủ khu vực miền đông của Ukraine.
Đám cháy kinh hoàng đã thiêu rụi khoảng 85ha rừng, 4 người chết và 9.000 phải nhập viện khi đám cháy rừng quét qua các ngôi làng ở vùng Luhansk, ngày 7/7. Vụ hỏa hoạn cũng đã phá hủy 80 nhà nghỉ và 30 ngôi nhà tại đây.
Hơn 360 lính cứu hỏa cùng với 85 thiết bị chữa cháy đã được huy động để khống chế ngọn lửa.
Tuy nhiên, công tác dập tắt lửa gặp khó khăn do điều kiện thời tiết bất lợi. Lực lượng chức năng đang nỗ lực sơ tán người dân sống tại những khu vực nguy hiểm do cháy rừng.
Năm nay, Ukraine cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã tạo thành một lớp khói bụi dày đặc bao phủ thủ đô Kiev và biến nơi này có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới.
Trung Quốc: vỡ đê trên sông Dương Tử, 9.000 dân phải sơ tán trong đêm
Theo Tân Hoa Xã, do nhiều ngày mưa lớn, đoạn đê dài khoảng 50 mét trên sông Dương Tử, huyện Phiên Dương, tỉnh Giang Tây, bị vỡ.
Nhiều khu vực đất nông nghiệp dọc bờ sông Dương Tử đã bị ngập lụt sau nhiều ngày mưa liên tục. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Tình huống khẩn cấp khiến 9.000 người dân ở vùng lân cận phải sơ tán gấp trong đêm. Hơn 600 người đã được huy động để ứng phó tình huống. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Hơn 1000 hecta đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn bộ đất nông nghiệp của làng Daocao gần đó đã bị nhấn chìm.
Tỉnh Giang Tây ngay sau đó đã nâng mức cảnh báo kiểm soát lũ lụt từ mức 4 lên mức 3 trong thang cấp 4 cấp độ. Mưa lớn được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.
Từ tháng 6 đến nay, nhiều địa phương ở miền Nam Trung Quốc liên tục hứng chịu những trận mưa lớn, khiến nước trên các con sông luôn trên mức báo động. Thống kê cho thấy lượng mưa trút xuống các tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Chiết Giang và thành phố Trùng Khánh đã lên tới mức cao nhất từ năm 1961 với lượng mưa ở một số nơi cao gấp 2-3 lần mức trung bình hằng năm.
Mưa lớn đã phá hủy hơn 17.000 ngôi nhà, gây thiệt hại kinh tế gần 6 tỉ USD, khiến ít nhất 130 người thiệt mạng hoặc mất tích, ảnh hưởng gần 20 triệu người sinh sống tại các tỉnh dọc theo sông Trường Giang, trong đó có hàng chục nghìn người phải di dời chỗ ở khẩn cấp. Hiện Trung Quốc đang nỗ lực phòng ngừa cũng như đẩy nhanh công tác cứu nạn và cứu trợ thiên tai.
Bùng nổ dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc
Đàn lợn lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã giảm khoảng 180 triệu con, tương đương 40%, sau khi các trang trại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở Trung Quốc do tình trạng mưa lũ kéo dài. |
Một cuộc khảo sát của Shandong Yongyi tại trang trại chăn nuôi lợn và lò mổ ở 20 tỉnh cho thấy hàng chục trường hợp nhiễm tả lợn ở châu Phi đã xảy ra kể từ khi mưa lớn ở tỉnh Quảng Đông, khu vực Quảng Tây và các khu vực khác.
Các nhà phân tích cho biết, người dân thường chôn những con lợn bị nhiễm bệnh và những cơn mưa có thể đã truyền bệnh qua nước ngầm.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã báo cáo hàng chục đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào tháng 3 và tháng 4 và nó đang lan rộng bởi những cơn mưa.
Một nhà phân tích tại Quảng Đông cho biết, các biện pháp an toàn sinh học tại nhiều trang trại ở miền Nam không được trang bị để chống lại những cơn mưa như vậy.
Nếu mưa lớn kéo dài suốt tháng 7, lượng thịt lợn ở một số tỉnh như Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây, có thể giảm tới 20% vào tháng 8 kể từ tháng 5.
Cập nhật Covid-19: Thế giới gần 13 triệu ca mắc, 561.904 ca tử vong
Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 6h30 ngày 11/7/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 12.608.532 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và 561.904 người tử vong do bệnh này.
Theo số liệu mới của Worldometer, 10 quốc gia đứng đầu thế giới về số bệnh nhân Covid-19 lần lượt như sau: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Nga, (5) Peru, (6) Chile, (7) Tây Ban Nha, (8) Liên hiệp Anh, (9) Mexico, và (10) Iran.
Trong khi đó, về mặt số tử vong cao nhất thế giới do Covid-19, top 10 nước bao gồm: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Liên hiệp Anh, (4) Italy, (5) Mexico, (6) Pháp, (7) Tây Ban Nha, (8) Ấn Độ, (9) Iran, và (10) Peru.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong ngày 10/7, toàn thế giới ghi nhận khoảng 228.000 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay.
Mỹ hiện nay ghi nhận 3.285.676 ca mắc Covid-19 (tăng 65.677 ca sau 24 tiếng đồng hồ) và 136.570 ca tử vong do dịch bệnh này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục là ổ dịch số 1 với 72.347 ca mắc Covid-19 và 3.469 ca tử vong. Philippines là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 với 52.914 ca mắcvà 1.360 ca tử vong.
Căn bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiện đã có mặt tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng
Đông trùng hạ thảo chỉ xuất hiện ở độ cao trên 3.500 mét so với mặt nước biển và hình thành khi các loại nấm ký sinh trên ấu trùng bướm dần giết chết vật chủ. Để phát triển, đông trùng hạ thảo cần môi trường lạnh song mặt đất không bị đóng băng vĩnh viễn.
Tại các nước châu Á, đông trùng hạ thảo được coi là thần dược. Dù khoa học phương Tây chưa chứng minh, người dân vẫn tin loại "thuốc" này chữa được mọi chứng bệnh, từ suy giảm khả năng tình dục đến ung thư. Người ta đun đông trùng hạ thảo trong nước để pha trà hoặc cho vào món canh, món hầm.
Do công dụng "thần kỳ" và khó khai thác, đông trùng hạ thảo vô cùng đắt đỏ. "Đây là một trong những sản phẩm sinh học giá trị nhất thế giới, đem đến nguồn thu đáng kể cho hàng trăm nghìn người thu hoạch".
Theo một thông báo đây của IUCN, số lượng đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng hiện đã suy giảm một phần ba do sự xâm lấn của con người, nông nghiệp thâm canh, sự khai thác quá mức, tình trạng khẩn cấp khí hậu và mất môi trường sống.
Các cuộc họp để tạo ra một thỏa thuận toàn cầu mới về đa dạng sinh học và bảo tồn được cho là sẽ diễn ra trong năm nay tại Trung Quốc nhưng đã bị trì hoãn bởi Covid-19.
Quang Huy