Châu Âu sẽ loại bỏ hoàn toàn xe chạy xăng dầu vào năm 2035
Châu Âu hiện đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện, trong bối cảnh doanh số bán ô tô điện tăng cao và xe hơi chạy xăng sẽ dần bị loại bỏ.
Mới đây, theo đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC), EU sẽ cắt giảm 100% khí thải CO2 vào năm 2035, thông qua kế hoạch cấm bán toàn bộ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới trong khối 27 quốc gia tại thời điểm đó. Đây được coi là khung thời gian để châu Âu dần chuyển đổi sang sử dụng xe điện hoàn toàn.
Được biết, châu Âu đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện trong bối cảnh doanh số bán ô tô điện tăng cao và xe hơi chạy xăng sẽ dần bị loại bỏ từ nay đến năm 2035.
Hiện nay, 26/27 quốc gia EU đã có chương trình kích thích mua xe điện, nhưng mức độ không đồng đều. 98% doanh số xe điện EU trong 3 tháng đầu năm 2020 dồn vào 14 quốc gia giàu nhất EU, cộng với Anh và Na Uy. Nguyên nhân là do các nước càng giàu, chính sách và hạ tầng cho xe điện càng hào phóng, kéo theo tăng trưởng nhanh.
Theo đó, nhiều nhà sản xuất ô tô đã công bố kế hoạch chuyển hướng sang xe điện. Hãng sản xuất ô tô Daimler (Đức) vừa thông báo rằng từ năm 2025, hãng sẽ chỉ tung ra các loại xe mới chạy bằng điện và chuyển đổi hoàn toàn sang ô tô điện từ năm 2030.
Các số liệu cho thấy, tại châu Âu, thị phần của ô tô điện đã tăng gấp đôi trong quý II năm 2021. Trong quá trình ngành công nghiệp ô tô châu Âu chuyển đổi sang ô tô điện, nhu cầu pin sẽ rất lớn.
Pin cung cấp năng lượng cho ô tô điện nặng tới 600 kg và là bộ phận chiếm giá trị đáng kể trong chiếc xe. Hiện tại, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này.
Theo Tổ chức phi Chính phủ Transport & Environment, khoảng 40 tỉ Euro (47 tỉ USD) dự kiến sẽ được đầu tư vào 38 nhà máy ở châu Âu, để có thể sản xuất 1.000 GWh pin mỗi năm. Với công suất trung bình của pin là 60 KWh, con số trên đủ khả năng để cung cấp năng lượng cho 16,7 triệu phương tiện.
Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô điện Tesla (Mỹ) dự kiến sẽ khánh thành “siêu nhà máy” đầu tiên ở châu Âu vào cuối năm nay, nơi sản xuất cả pin và động cơ xe điện của hãng. Tesla tuyên bố, cơ sở này sẽ trở thành nơi sản xuất pin lớn nhất thế giới với công suất 250 GWh vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo Olivier Montique, nhà phân tích trong lĩnh vực ô tô tại Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, các kế hoạch trên vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu pin xe điện của khu vực. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất ô tô điện vẫn đang hợp tác với các nhà sản xuất pin châu Á.
Đáng chú ý, tại Vương quốc Anh, Chính phủ nước này không chỉ dừng ở ngành giao thông đường bộ mà còn xác định chủ trương toàn ngành vận tải không phát thải đến năm 2050.
Theo đó, “Xứ sở sương mù” đặt mục tiêu dừng bán ô tô và xe tải nhẹ chạy bằng xăng/diesel đến năm 2030. Đến năm 2035, tất cả ô tô và xe tải trên đường không còn phát thải. Vào năm 2040, Anh cấm bán phương tiện vận tải hàng hóa hạng nặng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chính quyền nước này còn đặt mục tiêu đưa mức phát thải hệ thống đường sắt về 0 vào giữa thập kỷ này và tương tự với ngành hàng không vào năm 2050.
Lượng khí thải CO2 năm 2021 ước tính lên tới 33 tỉ tấn
Đây là cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19, khiến lượng khí thải CO2 trong năm 2021 tăng ở mức lớn thứ hai trong lịch sử.
Cụ thể, IEA ước tính lượng khí thải CO2 trong năm nay sẽ tăng gần 5% lên mức 33 tỉ tấn, trái ngược với sự giảm sút hồi năm ngoái do hoạt động kinh tế bị trì trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, lượng khí thải carbon sẽ tăng 1,5 triệu tấn trong năm nay chủ yếu là do gia tăng việc sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng, đặc biệt là tại khu vực châu Á.
Thùy Linh (T/h)