Thứ sáu, 22/11/2024 22:56 (GMT+7)
Thứ hai, 25/03/2024 18:42 (GMT+7)

Cây Sao đen, loài cây gỗ bản địa đa tác dụng

Theo dõi KTMT trên

Cây Sao đen có tên khoa học là Hopea odorata, thuộc họ Dầu – Dipterocarpaceae, tên tiếng Anh là Golden oak; là loài cây gỗ lớn thường xanh, thân thẳng, tròn thuôn, cao từ 20 – 30 m.

Khi cây trưởng thành, vỏ nứt dọc, màu đen, lõi gỗ hơi đỏ. Tán lá rậm, hình chóp, cành nhánh khỏe, dài, mọc chếch. Lá hình trái xoan thuôn, mép hơi gợn sóng, đáy tròn, đỉnh nhọn; mặt trên lá màu xanh bóng, mặt dưới hơi bạc, có tuyến ở nách gân bên. Hoa mọc thành chùm, hoa nhỏ màu trắng. Quả có 2 cánh, phủ lông mịn, dài 3 – 6 cm, rộng 0,5 – 07 cm, lúc non xanh nhạt, lúc già chuyển qua nâu.

Cây phân bố ở Ấn Độ, Bangladesh , Campuchia, Lào , Myanmar , Thái Lan và Việt Nam.

Ở Việt Nam, Sao đen mọc tự nhiên ở các khu rừng rậm thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ và là loài ưa sáng, tạo thành tầng vượt tán.

Do tán lá dày và hình thái đẹp, thân thẳng, sinh trưởng khá nhanh, lá xanh quanh năm, ít rụng lá… nên đã được chọn trồng làm cây cảnh quan đô thị ở nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh thành Tây Nguyên và Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều con đường có những hàng Sao đen đạt tuổi ngoại bát tuần, như Trần Quốc Thảo, Huyền Trân Công Chúa, Mạc đỉnh Chi, Lê Quý Đôn, Chu Mạnh Trinh. Ở tuổi này, những cây Sao đen vót mình như những trụ đèn mang trên đỉnh một vòm lá hình chóp nón, chạy thẳng tắp rất ngoạn mục.

Cây Sao đen, loài cây gỗ bản địa đa tác dụng - Ảnh 1
Cây sao đen được trồng nhiều tuyến phố làm cây xanh, bóng mát

Đà Nẵng là một trong những thành phố ở khu vực miền Trung chọn cây Sao đen làm cây bóng mát chủ lực. Hiện có khá nhiều đường phố đang rợp bóng Sao đen ở độ tuổi thanh - thiếu niên đầy sức sống. Có người còn bảo rằng, lãnh đạo thành phố đang có ý tưởng chọn một loài cây xanh nào đó làm cây biểu tượng, và Sao đen là một đối tượng được quan tâm, không rõ có đúng không, nhưng dù sao cũng cho chúng ta thấy được tính ưu thế của loài cây xanh này.

Ở Huế, cây được trồng ở các đường Nguyễn Văn Linh, Lý Thái Tổ, Phùng Hưng, một số đường nhánh trong khu công nghiệp Hương Sơ, trên trục Quốc lộ 1 thuộc phạm vi huyện Hương Thủy, ở một vài công viên... Điều đáng quan tâm là sau một thời gian đưa trồng, hàng cây Sao đen ở các vỉa hè sinh trưởng, phát triển không đều.

Đây là một hiện trạng gây đau lòng cho bất kì ai yêu Huế, yêu môi trường sống. Trong khi ở các thành phố bạn, mà gẫn gũi nhất là Đà Nẵng, các hàng Sao đen vươn mình thoải mái, hầu hết sinh trưởng cân đối, cây ra cây, cành ra cành, tán ra tán, thì ở Huế của chúng ta lại không được như vậy. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo chúng tôi cần nhìn nhận mấy nguyên nhân cơ bản sau đây để tìm cách khắc phục:

1. Ý thức của cư dân đô thị còn quá thấp, không những không góp tay vào bảo vệ mà còn tác động tiêu cực thái quá. Chẳng hạn như, ở đường Nguyễn Văn Linh, hình ảnh con trâu, con bò được buộc vào gốc cây Sao đen còn non dại, mảnh mai chưa đầy vài ba tuổi là chuyện thực thường tình. Khi bực mình hay sợ sệt vì một sự hăm dọa nào đó… chú bò, trâu kia co giò nhảy vọt, rồi chạy dài khiến cho toàn bộ cành lá cây Sao đen bị tuốt tất tần tật, để lại một thân cây trơ trụi như chiếc sào cỏn con. Thế rồi, một cậu bé thậm chí một người lớn tuổi, chẳng ngại ngùng gì, bẻ phắt thân cây còn lại làm roi để đánh trâu bò “vô kĩ luật” ấy. Nhiều cây khác trở nên cong vênh do người dân tựa xe đạp, kê vật dụng, bẻ đọt, ngắt cành… thiếu trách nhiệm.

Cây Sao đen, loài cây gỗ bản địa đa tác dụng - Ảnh 2
Lá cây Sao Đen

2. Cây Sao đen là cây ưa sáng toàn phần. Nhiều nơi do mái hiên di động che chắn, có nơi do trồng quá gần nhà cao tầng hay bị che bóng bởi những cây khác loài cổ thụ, khiến Sao đen lệch tán, nghiêng cây. Vẻ đẹp của Sao đen là vươn thẳng và tạo tán hình chóp nón, nhưng do trồng dưới đường dây điện dân dụng, nên khi cây lên được 3 - 4 m thì phải chặt đọt làm biến dạng vòm tán, không phát huy được khả năng tôn tạo cảnh quan.

Cũng cần biết thêm, Sao đen là một loài cây gỗ bản địa đa tác dụng, ngoài khả năng tôn tạo cảnh quan, nó là loài cây trồng rừng đầy hứa hẹn vì có khả năng cho gỗ thương phẩm tốt. Tất nhiên khi trồng rừng cũng cần biết đặc điểm cần ánh sáng của nó, trồng dưới tán rừng keo để đa dạng hóa chủng loại rừng trồng, tiến dần tới chuyển hóa rừng keo thành rừng cây bản địa bền vững mà không chịu mở sáng đúng thời điểm thì thất bại là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, vỏ cây Sao đen là một vị thuốc chữa được một số bệnh như viêm lợi, áp xe lợi, sâu răng, cầm máu hoặc dùng ăn ghém với cau trầu.

Theo chúng tôi, để có những hàng Sao đen đẹp, nên chọn trồng những nơi thông thoáng, chọn cây giống đồng đều, thẳng cây; mạnh dạn loại trừ những cây cong vênh ngay từ đầu và cần lưu ý làm sao để cây vẫn giữ được rễ cọc khi đưa trồng.

Đỗ Xuân Cẩm

Bạn đang đọc bài viết Cây Sao đen, loài cây gỗ bản địa đa tác dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới