Cầu hàng hóa tăng, chờ đợi sức bật của bất động sản cho thuê bán lẻ
Thị trường bất động sản (BĐS) cho thuê bán lẻ chứng kiến nhiều khách thuê trả mặt bằng trong thời gian qua. Tình trạng này được dự báo có khả năng chấm dứt khi nhu cầu hàng hóa tăng lên.
Giảm giá sập sàn vẫn ế ẩm
Theo Cục Thống kê TP.HCM: “Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm ở tất cả các ngành hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%)”.
Điều này khiến thị trường BĐS cho thuê bán lẻ giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê.
Quý 3/2020, nhiều căn hộ tại phố nhà giàu quận 2, thuộc khu Đông Sài Gòn, đã phải điều chỉnh giá chào thuê từ 1.300 USD một tháng xuống còn 800-900 USD để tránh tình trạng bỏ trống tài sản quá lâu.
Điều đáng lưu ý, công suất thuê trung bình giảm 1 điểm % theo quý và 4 điểm % theo năm, mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm qua. Diện tích BĐS bán lẻ cho thuê giảm 7.000 m² trong quý 3/2021, và giảm 45.000 m² trong cả 3 quý.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ tại TP.HCM đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Hơn nữa, nhu cầu ăn uống tại các quán, cửa hàng không còn. Các dịch vụ này đang tiếp tục đối mặt với tình trạng trả mặt bằng sớm, đông thời khiến giá chào thuê giảm mạnh. Nhất là đối với ngành nghề ăn uống F&B, một trong những phân khúc bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của các chính sách giãn cách xã hội. Trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như: Starbucks, The Coffee House…
“Cụ thể, giá thuê trung bình thực tế của các trung tâm thương mại trọng điểm ghi nhận đạt 30,7 USD/m2/tháng, giảm 18,2% theo quý và 24,8% theo năm”, theo JLL Việt Nam.
Sự phục hồi có như mong đợi
Vào những tháng cuối năm, nhiều lễ hội diễn ra cùng với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thì thị trường BĐS bán lẻ được kỳ vọng phục hồi vào quý 4/2021. Lúc đó, việc chi tiêu của người dân sẽ bắt đầu tăng, bù lại sự kìm nén nhu cầu mua sắp trong mấy tháng giãn cách. Nhất là gia đình khá đông thành viên, có nhiều trẻ con nên tần suất mua sắm những mặt hàng quần áo, giày dép tăng lên.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn cung BĐS bán lẻ cho thuê tại Hà Nội đạt khoảng 1,6 triệu m², ổn định theo quý và tăng 5% theo năm. Khu vực nội thành có thị phần lớn nhất với 42% và mật độ bán lẻ cao nhất với 0,48 m²/người.
Thay vì giảm giá thuê, chủ nhà đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các khách thuê mới, như kéo dài thời gian sửa chữa của khách hàng trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30-50% trong 3-6 tháng đầu tiên cho các hợp đồng kí mới từ 3-5 năm.
Mặc dù vậy, những tháng cuối năm 2021, thị trường BĐS được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Bởi các kênh mua sắm trực tuyến trên không gian mạng, sàn thương mại tập trung như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, hệ thống chuỗi siêu thị… và thanh toán điện tử đang ghi nhận những con số tăng ấn tượng. Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm thuận tiện, mà đỡ mất công đến tận nơi để mua sắm. Điều này sẽ mang đến sự cạnh tranh không nhỏ đối với kênh mua sắm truyền thống bắt nguồn từ các mặt bằng thuê.
Thu Hà (t/h)