Thứ sáu, 29/03/2024 01:23 (GMT+7)
Thứ tư, 07/12/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 7/12

Theo dõi KTMT trên

Năm nay miền Nam đón mùa mưa kéo dài bất thường; Kè khu đô thị Nam Tuy Hòa (Phú Yên) bị sập lún, hư hỏng nặng; EU cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Vì sao năm nay miền Nam đón mùa mưa kéo dài bất thường?

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay khu vực Nam Bộ duy trì thời tiết điển hình của mùa mưa với ngày nắng gián đoạn, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét và gió giật mạnh.

Dự báo trong hai ngày tới (8-9/12), Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và tối, cục bộ có mưa to.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông thường mùa mưa ở Nam Bộ kết thúc vào khoảng tuần đầu hoặc trung tuần tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên năm nay mùa mưa kéo dài đến hiện tại. “Như vậy có thể khẳng định mùa mưa năm nay kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm”, ông Hưởng nói.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 7/12 - Ảnh 1
Triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ.

Ông Hưởng cho biết, nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động của dải khí áp thấp khu vực xích đạo đang hoạt động từ 4-7 độ vĩ Bắc, ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Nam Bộ, gây mưa rào và dông rải rác tại khu vực Nam Bộ.

Nguyên nhân ở quy mô lớn hơn là do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Thống kê cho thấy, những năm có La Nina tác động, mùa mưa tại Nam Bộ thường kéo dài hơn bình thường và lượng mưa cũng có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong tháng 12/2022-2/2023, Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông cục bộ. Tổng lượng mưa tháng 12/2022 phổ biến cao hơn từ 15-80mm so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 1-2/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-20mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ngoài ra, từ nay đến tháng 2/2023, Nam Bộ chịu nhiều đợt triều cường. Gần nhất là đợt triều cường từ nay đến 11/12. Tiếp sau đó là các đợt triều cường từ 21-29/12, từ 6-10/1/2023, từ 21-26/1/2023 và từ 19-24/2/2023.

Trong đó các đợt cường tháng 12/2022 và tháng 1/2023, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu có thể lên mức cao trên 4,15m. Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ.

Cục Biến đổi khí hậu và Công ty Daikin Việt hợp tác loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam (Công ty Daikin Việt Nam) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone tại Việt Nam.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam chính thức là thành viên của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 1994. Theo đó, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon và CTC từ năm 2010, giảm trừ lần lượt 10% và 35% so với đường tiêu thụ cơ sở của HCFC vào năm 2015 và 2020.

Đặc biệt, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tầng ozone là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát, quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát.

Hiện nay, Việt Nam đang ở pha 2 của Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC và chuẩn bị cho nghĩa vụ cắt giảm lượng tiêu thụ HCFC tới 67% so với đường tiêu thụ cơ sở vào năm 2025, đồng thời, thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC pha 1 bắt đầu vào năm 2024.

Phú Yên: Kè khu đô thị Nam Tuy Hòa bị sập lún, hư hỏng nặng

Hàng trăm mét tuyến kè khu đô thị Nam Tuy Hòa bị sập lún, hư hỏng nặng, mái kè hở hàm ếch có nguy cơ gây xâm thực sâu vào đất liền, uy hiếp hạ tầng khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xác định do ảnh hưởng thiên tai.

Bắt đầu từ cơn bão số 5 tiếp đến là những đợt mưa to kéo dài trong tháng 10, 11 năm 2022 đã gây thiệt hại nhiều công trình hạ tầng, công trình kè sông, kè biển của tỉnh Phú Yên với kinh phí thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Riêng hệ thống kè tại khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa thuộc dự án Xử lý cấp bách sụt lún hạng mục kè bờ Nam (thực hiện năm 2019) của dự án Chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng (thực hiện từ năm 2009 có kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng) đã có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đồng thời do ảnh hưởng thiên tai, nhiều đoạn sụt lún gây mất an toàn cho công trình và mất mỹ quan đô thị.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 7/12 - Ảnh 2
Hàng trăm mét tuyến kè khu đô thị Nam Tuy Hòa bị sập lún, hư hỏng nặng, uy hiếp hạ tầng được xác định do ảnh hưởng thiên tai.

Còn đoạn kè sông gần cửa biển Đà Diễn là đoạn bờ kè thuộc dự án Xử lý cấp bách sụt lún hạng mục kè bờ Nam do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư, được triển khai thi công với kinh phí hơn 45 tỷ đồng và nghiệm thu đưa vào sử dụng, bàn giao cho UBND thành phố Tuy Hòa ngày 4/12/2019, đến nay đã hết thời hạn bảo hành công trình, thì bị sóng lớn đánh tan hoang, từ mái kè đến đà bê tông cốt thép trên đỉnh kè đều bị sóng lớn đánh vỡ, gãy, cuốn trôi. Sóng lớn đã xâm thực vào đất liền, nơi bị xâm thực lớn nhất đến hơn 10m.

Ngày 25/11/2022, UBND thành phố Tuy Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên báo cáo tình trạng hư hỏng của kè khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa, đề xuất các phương án xử lý, đề nghị dùng ngân sách tỉnh khoảng 64 tỷ đồng, giao Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư để khẩn trương sửa chữa, khắc phục toàn diện tuyến kè trên.

Cùng đó, ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho hay: UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong tháng 10/2022 đối với các hạng mục hạ tầng thiết yếu với tổng số tiền 145 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ đồng để sửa chữa kè khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa.

EU cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng

Ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó, có cà phê, ca cao và đậu nành.

Một khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu đưa những mặt hàng này vào thị trường EU, nếu không, họ có thể phải đối mặt với những khoản tiền phạt nặng. Cụ thể, các công ty xuất khẩu bị phát hiện vi phạm luật có thể bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ tại EU.

Các công ty sẽ cần chỉ ra thời gian và địa điểm hàng hóa được sản xuất và thông tin có thể kiểm chứng rằng chúng không có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau năm 2020.

Phá rừng chịu trách nhiệm ít nhất 10% lượng khí ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu và sẽ là trọng tâm tại Hội nghị COP15 trong tuần này, nơi các quốc gia sẽ tìm kiếm một thỏa thuận toàn cầu để bảo vệ thiên nhiên.

Ông Christophe Hansen, Trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện Châu Âu hy vọng, dự luật mới này sẽ tạo động lực cho việc bảo vệ rừng trên toàn cầu và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15).

Dự luật mới sẽ áp dụng cho các sản phẩm như đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê và một số sản phẩm có nguồn gốc bao gồm da, sô cô la và đồ nội thất. Cao su, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ đã được đưa vào theo yêu cầu của các nhà lập pháp EU.

EU sẽ xem xét liệu có nên bổ sung các biện pháp bảo vệ cho các vùng đất có rừng khác trong một năm và các hệ sinh thái quan trọng khác trong hai năm hay không.

Dự luật này được EC đề xuất hồi tháng 11/2021. EU giờ đây sẽ phải chính thức thông qua để văn kiện này có hiệu lực và các công ty thương mại sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 7/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.