Thứ bảy, 27/04/2024 00:53 (GMT+7)
Thứ hai, 05/12/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/12

Theo dõi KTMT trên

Tết 2023: Miền Bắc rét nhưng khô ráo; Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên; Châu Á đang “chìm”; Indonesia sơ tán khẩn cấp hàng nghìn người gần núi lửa Semeru... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, trời rét hết tuần này

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay 5/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi Bắc Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ 12-15 độ.

Từ ngày mai, miền Bắc không mưa, trời tiếp tục rét nhưng nhiều nơi hửng nắng, nền nhiệt tăng 1-2 độ so với hôm nay. Đến 8/12, miền Bắc duy trì nền nhiệt thấp nhất 15-18 độ, cao nhất 22-25 độ, vùng núi cao nhiệt độ thấp hơn. Nền nhiệt này dự báo duy trì trong vài ngày sau đó ở miền Bắc.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/12 - Ảnh 1
Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, trời rét hết tuần.

Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh.

Dự báo, do mưa lớn nên nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 5-6/12 khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tổng lượng mưa phổ biến từ 100-180mm, có nơi trên 200mm.

Cảnh báo từ 7-9/12, khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 4-6/12, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Đỉnh lũ tại hạ lưu các sông ở mức BĐ1- BĐ2, có sông trên BĐ2.

Tết 2023: Miền Bắc rét nhưng khô ráo

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, giai đoạn tháng 1-3/2023 nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong đó thời gian chính đông tập trung từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Dịp nghỉ Tết Âm lịch rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2023, trong giai đoạn chính đông ở Việt Nam. Thời tiết chủ đạo ở Bắc Bộ được dự báo vẫn là rét, một số ngày có rét đậm. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, có khả năng thời tiết Tết Nguyên đán thuận lợi, khô ráo nắng ấm.

Với các tỉnh miền Trung, trong các ngày trước Tết, khu vực từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Ngãi dự báo có mưa rào nhẹ. Những ngày cận Tết, miền Trung có vẻ khá khô ráo. Nhiệt độ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên huế xu hướng có rét nhẹ về đêm và sáng. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết Tết phổ biến là ít mưa, trời nắng. 

Với các tỉnh miền Nam, thời tiết dịp Tết 2023 sẽ khá giống với các năm trước, nhiệt độ trung bình từ 22 đến 32 độ C. Thời tiết dễ chịu. Ngày mùng 1 Tết, nhiệt độ TP.HCM dự kiến trong khoảng từ 24 đến 34 độ C, trời nắng, gió Đông Nam. 

Khắc phục ô nhiễm môi trường ở Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo sở TN&MT phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam và địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, tái định cư tại khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên như: thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tổ giám sát; xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị số tiền 762.019.000 đồng với hành vi xả nước thải vượt QCVN ra môi trường…

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên gồm bãi chôn lấp chất thải rắn Nghi Yên và nhà máy xử lý rác thải Ecovi. Bãi chôn lấp chất thải rắn Nghi Yên do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An chịu trách nhiệm quản lý, vận hành. Công trình được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1449/QĐ-BKHCNMT ngày 9/7/2002.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/12 - Ảnh 2
UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo sở TN&MT phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam và địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, tái định cư tại khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên.

Từ ngày 21/3/2020, Nhà máy xử lý rác thải Ecovi của chi nhánh Công ty Cổ phần Galax tại Nghệ An đã dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 1606/UBND-CN ngày 21/3/2020. Hiện nay, chi nhánh Công ty Cổ phần Galax tại Nghệ An tiếp tục dừng hoạt động và thực hiện các thủ tục để điều chỉnh thay đổi công nghệ, công suất của dự án.

Ngày 8/6/2022, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị đã khởi công xây dựng ô chôn lấp 4A và 4B để đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải được tiếp nhận. Ngoài ra, dưới sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát của các ngành, các cấp, công ty này cơ bản đã vận hành bãi chôn lấp theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Vì vậy môi trường tại bãi chôn lấp đến nay đang có xu hướng tốt hơn.

Châu Á đang “chìm” và những hệ lụy

Theo trang Nikkei, tình trạng sụt lún mặt đất của các thành phố châu Á ngày càng diễn ra nghiêm trọng, rủi ro ngập lụt đang gia tăng. Bên cạnh đó, khí hậu bất thường và toàn cầu nóng lên dẫn đến mực nước biển dâng đã khiến cuộc sống của 1,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số châu Á đối diện với các hiểm họa thiên tai.

Châu Á đang đóng vai trò thúc đẩy quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng rủi ro ngập lụt tăng cao đã phủ bóng đen lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Rhode Island (URI), Mỹ đã sử dụng vệ tinh nhân tạo để đo tốc độ sụt lún mặt đất của 99 thành phố trên toàn cầu trong giai đoạn 2015-2020. Kết quả cho thấy trong số 20 thành phố hàng đầu có 17 thành phố ở châu Á. Tốc độ sụt lún nhanh nhất là Thiên Tân, mỗi năm hơn 52 mm, các thành phố chủ chốt của Đông Nam Á như Jakarta (34 mm), Bangkok (17 mm)… cũng ở mức rất cao.

Mặt đất sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức phục vụ cho sinh hoạt và công nghiệp gây nên trong bối cảnh tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Rất nhiều thành phố lớn của châu Á vốn nằm ở những khu vực trũng thấp ven biển hoặc cửa sông, mặc dù mỗi năm chỉ sụt lún vài mm, nhưng nếu bỏ mặc không quan tâm thì tổn thất do lũ lụt gây ra sẽ ngày càng lớn.

Việc khai thác cát quá mức ở các con sông cũng được chỉ ra là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt đất sụt lún. Giám đốc Cơ quan phát triển công nghệ không gian và thông tin địa lý Thái Lan (GISTDA) nhấn mạnh, nếu không xác định rõ nguyên nhân sụt lún mặt đất và áp dụng các đối sách có hiệu quả, thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trên 60% diện tích của Jakarta đã thấp hơn mực nước biển, được gọi là “khu vực 0 m”. Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, nếu không áp dụng các biện pháp cần thiết, đến năm 2025, phía Bắc thủ đô Jakarta sẽ thấp hơn mực nước biển từ 4-5 m.

Indonesia sơ tán khẩn cấp hàng nghìn người gần núi lửa Semeru

Chiều tối 4/12, núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia tiếp tục phun những cột tro bụi cao hơn 1,5km lên không trung và dòng nham thạch nóng bỏng bắt đầu chảy tràn trên diện rộng. Giới chức địa phương đã buộc phải sơ tán khẩn cấp khoảng 2.000 người dân sống gần khu vực núi lửa tới 11 khu tạm trú.

Ít nhất sáu ngôi làng trong vùng đã bị ảnh hưởng đợt thiên tai này. Trước đó, Indonesia đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào sáng sớm cùng ngày.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/12 - Ảnh 3
Núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia tiếp tục phun những cột tro bụi cao hơn 1,5km lên không trung và dòng nham thạch nóng bỏng bắt đầu chảy tràn trên diện rộng.

Hiện chưa có báo cáo thương vong liên quan tới vụ núi lửa Semeru phun trào này. Người dân đã được yêu cầu không đi lại trong bán kính 8km tính từ núi lửa.

Các chuyên gia địa chất cho biết Semeru "vẫn đang trong giai đoạn phun trào" mặc dù kích thước của các đám mây tro bụi đang giảm dần. Theo một nhà báo của hãng tin AFP, mạng Internet trong khu vực đã ngừng hoạt động và tín hiệu điện thoại bị chập chờn sau vụ phun trào.

Núi lửa Semeru cao 3.676 m nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 850km về phía Đông Nam. Cách đây một năm, núi lửa này cũng đã phun trào mạnh khiến nhiều người thiệt mạng.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương", một dải bao quanh Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và hoạt động núi lửa. Đây là một trong những khu vực hoạt động địa chấn mạnh nhất trên Trái Đất.

Với 142 ngọn núi lửa, Indonesia hiện là quốc gia có số dân lớn nhất trên toàn cầu sống trong phạm vi gần núi lửa, với 8,6 triệu người sinh sống trong phạm vi 10km quanh các khu vực nhiều nguy cơ này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới