Thứ sáu, 27/12/2024 01:42 (GMT+7)
Thứ tư, 02/11/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/11

Theo dõi KTMT trên

Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc chuyển mưa lạnh; Thừa Thiên – Huế ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; Bão nhiệt đới sẽ Lisa mạnh lên, đe dọa khu vực Caribe... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc chuyển mưa lạnh

Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), ít ngày tới miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh mới với nền nhiệt giảm trời trở lạnh.

Tuy nhiên, trong khoảng 1 đến 2 ngày tới do tác động của không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) sẽ duy trì tình trạng quang mây về đêm và sáng. Cùng với đó, do sự mất nhiệt của không khí lạnh, sự bức xạ của mặt đất, nhiệt độ đêm và sáng ngày 2 và 3/11 ở Bắc Bộ sẽ giảm sâu. Nhiệt độ vùng núi có khả năng xuống 15 - 16 độ C; vùng đồng bằng xuống 17 - 18 độ C, trời chuyển rét về đêm và sáng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/11 - Ảnh 1
Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc chuyển mưa lạnh.

Dự báo, khoảng từ ngày 4/ 11 đến 5/11 miền Bắc sẽ tiếp tục đón đợt không khí lạnh tăng cường. Dưới tác động của đợt lạnh tăng cường, khu vực Trung Bộ từ Thanh Hóa trở vào đến Đà Nẵng và Quảng Nam có khả năng xuất hiện đợt mưa rào, dông trên diện rộng trong ngày 4 và 5 kéo dài sang ngày 6/11. Tuy nhiên, đợt mưa này không lớn, phổ biến từ 70 đến hơn 100 mm.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nhiệt độ ợt không khí lạnh lần này chủ yếu giảm về đêm và sáng, còn trong ngày trời vẫn nắng nên tác động của không khí lạnh không nhiều; cần lưu ý, gió trên Vịnh Bắc Bộ duy trì gió mạnh cấp 5, cấp 6; khu vực Trung Bộ trên cấp 6, sóng biển cao trên 2 m, biển động.

Thừa Thiên – Huế ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn.

Kế hoạch với mục tiêu nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển và đại dương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo đó, đến năm 2023, các Sở, ban, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt các kế hoạch truyền thông về biển và đại dương với các chỉ tiêu cụ thể theo đặc thù truyền thông của cơ quan, địa phương đó. Đến năm 2025, trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh có chuyên mục về biển và đại dương; 100% các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin (báo, bản tin, tạp chí in, trang thông tin điện tử, kênh phát thanh, truyền hình) của cơ quan, đơn vị.

Hàng năm, các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương ven biển tổ chức các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới; tổ chức tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến toàn bộ tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động truyền thông về biển và đại dương thông qua việc lồng ghép nội dung liên quan vào một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo. Hằng năm, phấn đấu hơn 80% các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tham gia hoạt động truyền thông về biển và đại dương (trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy theo quy mô và tính chất hoạt động của các tổ chức, đơn vị).

Kế hoạch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như, ban hành các chương trình, kế hoạch truyền thông liên quan đến biển và đại dương nhằm bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và kế hoạch này. Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương...

Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 - Động lực cho sự phát triển bền vững ngành Nước

"Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022" với chủ đề "Chính sách ngành nước - Phát triển bền vững" do Hội Cấp thoát nước Việt Nam chủ trì tổ chức lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 9-11/11 tại Hà Nội.

Sự kiện có quy mô lớn nhất ngành Nước trong năm 2022 được bảo trợ bởi Bộ Xây dựng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và UBND TP. Hà Nội và đã nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành. Đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện là Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair).

Đến nay, đã có trên 700 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường tại Việt Nam cùng nhiều tổ chức ngành Nước ở nhiều quốc gia đăng ký tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/11 - Ảnh 2
"Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022" với chủ đề "Chính sách ngành nước - Phát triển bền vững".

Theo TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam, sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngành Nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, từ những yêu cầu ngày một cao về chất lượng nước sạch, cấp nước an toàn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế đến những tác động của quá trình đô thị hóa tăng nhanh và sự ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Theo đó, Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã được ban hành trên 15 năm, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải và các văn bản dưới Luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều vấn đề quan trọng của ngành Nước lại chịu sự quản lý chồng chéo của các luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư,… để tạo một hành lang pháp lý giúp ngành Nước phát triển ổn định và bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021 - 2026.

"Vì vậy, những trao đổi tại một Diễn đàn mở như "Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022" là cơ hội rất tốt để thúc đẩy việc tạo ra hành lang pháp lý phục vụ phát triển bền vững ngành Nước trong tương lai" - TS. Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, giới thiệu những công nghệ mới trong Tuần lễ Nước Việt Nam 2022 là một phần quan trọng để các doanh nghiệp ngành Nước của Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng, nhưng đặc biệt hơn là việc đưa ngành Nước tiến tiệm cận với các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ cung cấp nước sạch.

Philippines ban bố tình trạng thiên tai với 4 khu vực bị ảnh hưởng bão Nalgae

Ngày 2/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos đã ban bố tình trạng thiên tai đối với 4 khu vực bị ảnh hưởng do cơn bão Nalgae ở nước này.

Theo quyết định của Tổng thống Marcos, các khu vực Calabarzon, Bicol Region, Western Visayas và vùng tự trị Bangsamoro trên đảo Mindanao sẽ áp dụng tình trạng thiên tai trong 6 tháng. Các khu vực này có tổng cộng hơn 1,4 triệu người chịu ảnh hưởng của bão Nalgae cuối tuần qua.

Tổng thống Marcos nêu rõ việc tuyên bố tình trạng thiên tai sẽ thúc đẩy công tác cứu trợ, viện trợ, phục hồi và tái thiết của chính phủ cũng như của các tổ chức tư nhân, đồng thời giúp kiểm soát hiệu quả giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Ông Marcos cho biết thêm có khả năng ban bố tình trạng thiên tai đối với các khu vực khác sau khi đánh giá thiệt hại do bão cũng như dựa trên những khuyến nghị của Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia.

Nalgae là một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất đổ bộ Philippines, gây lũ quét và sạt lở đất tại nhiều vùng của nước này. Theo thống kê của chính phủ, ít nhất 132 người đã thiệt mạng do cơn bão này tính đến ngày 1/11.

Philippines nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương và vành đai bão Thái Bình Dương, do đó là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm nước này hứng chịu 20 cơn bão, trong đó một số cơn bão có cường độ mạnh và sức tàn phá nghiêm trọng. Tháng 4 vừa qua, cơn bão Megi đã gây mưa lớn tại nhiều vùng ở miền Trung và miền Nam Philippines, khiến nhiều khu vực ngập úng và gây ra các vụ sạt lở đất, cướp đi sinh mạng của hơn 220 người.

Bão nhiệt đới sẽ Lisa mạnh lên, đe dọa khu vực Caribe

Theo dự báo của Cơ quan dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) ngày 1/11, cơn bão nhiệt đới Lisa sẽ mạnh lên và có thể đe dọa tính mạng của người dân sống tại Belize, Honduras và một số khu vực ở Mexico.

Cảnh báo bão đã được ban bố tại các vùng duyên hải của Belize, khu vực bờ biển phía Bắc Đại Tây Dương của Guatemala và một phần bán đảo Yucatan của Mexico, đều là những địa điểm nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch. Người dân tại các khu vực này được khuyến cáo gấp rút chuẩn bị để "bảo vệ tính mạng và tài sản".

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/11 - Ảnh 3
Cơn bão nhiệt đới Lisa sẽ mạnh lên và có thể đe dọa tính mạng của người dân sống tại Belize, Honduras và một số khu vực ở Mexico.

Theo NHC, nước biển tại khu vực duyên hải Belize có thể dâng cao tới 1,22 - 2,13m, trong khi mức nước biển dâng do bão tại Đông Nam bán đảo Yucatan của Mexico sẽ ở mức 61cm-1,22m. Lượng mưa tại đây được dự báo ở mức 100-150mm.

Bão Lisa duy trì sức gió tối đa 105 km/h trong chiều 1/11 và di chuyển về phía Tây với tốc độ 24 km/h. Theo NHC, bão Lisa sẽ mạnh lên trong ngày 2/11 khi tiến sát Belize và có khả năng suy yếu khi đổ bộ Guatemala trong ngày 3/11. Sau đó, bão sẽ đổ vào miền Nam Mexico.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.